Một đôi trai gái đến nhận kết quả xét nghiệm. Họ bước vào trung tâm vui vẻ, tự nhiên, không hồi hộp căng thẳng như nhiều người khác. Anh thanh niên sau khi lướt qua một lượt tờ kết quả rồi quay sang nói với cô gái:

- Thế này là tốt rồi chị ạ, đúng là con của anh ấy rồi. Em sẽ fax cho anh tờ giấy này để làm thủ tục đưa cháu sang đó.

Nghe anh ta nói vậy, tôi rất ngạc nhiên, tôi xin xem lại tờ kết quả, xem lại chứng minh thư của anh và hỏi :

- Theo giấy tờ xét nghiệm thì cháu khai cháu là cha của đứa trẻ, tại sao cháu lại nói là “con của anh ấy”, “anh ấy” là ai vậy?

- Dạ! Cháu chỉ là chú của nó thôi ạ, cha của đứa trẻ là anh cháu. Anh cháu đang làm việc ở nước ngoài nên nhờ cháu cho mẫu để xét nghiệm với đứa trẻ này.

Tôi nghiêm giọng:

- Nhưng cháu có biết là khai sai quan hệ trong tờ đơn xét nghiệm sẽ bị phạt không? Cháu phải khai là cần xét nghiệm quan hệ chú - cháu chứ? Sao lại khai là cha- con?

Anh thanh niên lý sự:

- Cháu có biết ạ, nhưng cháu với anh ấy là hai anh em ruột thì trùng gen nhau rồi, khai thế cũng được chứ có sao đâu cô.

Tôi giải thích:

- Anh em ruột thì cũng không thể thay thế nhau trong việc xét nghiệm ADN được. Đứa trẻ này là con của cháu, chứ không phải là con của bất kỳ ai khác, kể cả người đó là một người anh em ruột thịt của cháu.

- Thế nhưng, rõ ràng cô đã kết luận đứa trẻ là con cháu. Thế là cháu trùng gen với anh cháu còn gì.

Người con gái đi cùng anh ta, xen vào:

- Anh ấy nói thật đấy cô ạ, anh ấy là chú của con cháu, chứ không phải là bố của nó đâu.

Tôi khẳng định :

- Không thể như thế được. Chú là chú, mà bố là bố. Rõ ràng có vấn đề gì đó không ổn ở đây. Hai anh em chỉ trùng gen nhau hoàn toàn, khi họ là một cặp sinh đôi cùng trứng. Vậy hai cháu có rơi vào trường hợp đó không ?

Anh thanh niên nhanh nhảu:

- Đúng thế đấy cô ạ. Anh ấy chỉ hơn cháu 5 phút tuổi thôi. Chúng cháu giống nhau như hai giọt nước.

Tôi giải toả được thắc mắc:

- Thế thì cô hiểu rồi. Sao cháu không nói điều này với cô ngay từ đầu?

Anh ta cười:

- Quả thật bây giờ thì cháu mới hiểu là chỉ có anh em sinh đôi như chúng cháu mới trùng gen nhau. Cháu cứ tưởng là anh, em, bố con với nhau thì trùng gen nhau tuốt. Thế cô có thể thay tên cháu bằng tên của anh cháu trong tờ kết quả được không ạ? Nếu được như vậy, anh cháu sẽ không cần xét nghiệm lại ở bên Đức nữa. Đỡ tốn kém nhiều lắm cô ạ.

- Không được đâu – Tôi trả lời ngay – Không thể có chuyện một người đi xét nghiệm xong, rồi kết quả lại thay tên người khác.

- Thế thì làm sao bây giờ nhỉ? – Hai vị khách nhìn nhau và hỏi nhau .

Tôi khuyên họ:

- Có thể hai cháu bố trí cho đứa bé sang chơi với bố nó, rồi sang đó họ sẽ xét nghiệm lại. Kết quả này chỉ gửi cho anh ấy, để anh ta biết đấy là con của mình. Cô xin lưu ý với hai cháu điều này: các trường hợp xét nghiệm ở đây để đưa con đi nước ngoài chỉ là xét nghiệm vòng đầu. Đến nước nào, họ cũng phải xét nghiệm lại. Nếu không phải là con, thì đứa trẻ sẽ bị đưa trở về ngay. Lúc đó thì tiền mất, tật mang. Bởi vậy tính trung thực, chính xác của lần xét nghiệm vòng đầu phải tuyệt đối…Cô nói vậy chắc hai cháu hiểu ý cô chứ? Thế mẹ cháu bé có định đi cùng cháu sang với bố nó không?

Người con gái buồn buồn:

- Không đâu cô ạ. Bố đứa bé này là người yêu cũ của cháu. Chúng cháu đã yêu nhau nhiều năm. Nhưng rồi chẳng lấy được nhau. Cũng chỉ tại anh ấy đi xuất khẩu lao động mà rồi mỗi đứa một ngả. Vì muốn hợp thức hóa trong việc làm ăn ở Đức mà anh ấy buộc phải kết hôn với một cô gái Đức. Chẳng hiểu là kết hôn giả, hay kết hôn thật mà mãi không về. Chúng cháu vẫn trao đổi thư từ cho nhau. Cách đây mấy năm anh ấy về phép. Chúng cháu vẫn rất yêu nhau. Cháu rất mong anh về hẳn với cháu, nhưng anh ấy lại muốn tiếp tục ra nước ngoài làm ăn chờ có một món tiền kha khá rồi mới về… Thế là hai đứa lại phải chia tay nhau. Bây giờ, thằng bé đã lớn rồi mà bố nó chẳng chịu về. Cháu cũng không hi vọng gì nữa. Cháu phải trả lại con cho anh ấy để đi lấy chồng. Cháu không muốn chồng cháu mỗi lần nhìn thấy đứa trẻ này lại nghĩ đến mối tình cũ của cháu. Hơn nữa, ở bên đó trẻ em có điều kiện ăn học tốt hơn .Cháu nghe nói ở Đức, trẻ con được nhà nước chú trọng nuôi dưỡng lắm. Hơn nữa bố nó kết hôn lâu như vậy, nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có con. Chắc chắn, con cháu sẽ đựoc yêu thương lắm. Trước sau gì, thì con cái cũng sẽ tìm về với cha đẻ của nó, giữ thằng bé bên mình mà nó không được sung sướng, lại còn có thể gây khó chịu cho bố dượng thì tội quá, mà cũng khó xử cho mình, rồi đến lúc lớn lên, nó lại oán trách đủ điều

- Thế cháu không nghĩ là cháu sẽ rất nhớ con à?- Tôi hỏi chị.

- Tất nhiên là nhớ thương lắm chứ cô, nhưng cháu đã nghĩ kỹ rồi. Cháu quyết định như vậy và cháu tin là tình cảm mẹ con chúng cháu vẫn không bị ngăn cách. Thời đại này, thông tin qua lại quá thuận tiện, khoảng cách đâu có trở ngại gì nữa, đúng không cô?.