Đạt ngồi phịch xuống ghế, mặt tối sầm, rồi gục xuống bàn, cứ thế lặng im.

    Tôi sợ quá vội vàng hỏi:

    -  Cháu không sao chứ?

    Đạt từ từ ngẩng lên, mắt ngấn lệ:

    -  Cháu đau khổ quá cô ạ. Làm sao cháu có thể sống được đây?

    -  Chắc cháu yêu vợ lắm phải không?

    -  Đúng vậy, và chính vì thế mà cháu đau đớn.

    -  Liệu cháu có thể tha thứ cho vợ được không?

    -  Cháu rất muốn, nhưng cháu chỉ có thể tha thứ cho sự phản bội của cô ấy nếu như đứa trẻ này vẫn là con của cháu… Đằng này nó chắc chắn không phải là con của cháu rồi. Cháu đã hy vọng một cách mù quáng rồi.

    Đạt lại lặng đi.

    Tôi tò mò hỏi khẽ:

    -  Cháu nói là cháu đã hy vọng mù quáng nghĩa là sao?

    -  Nghĩa là cháu đã được báo trước có kết quả như thế này, nhưng vì không muốn tin vào điều đó nên cháu vẫn đi xét nghiệm và vẫn nuôi hy vọng.

    Tôi hỏi:

    -  Ai đã báo trước cho cháu kết quả này?

    Đạt rầu rĩ:

    -  Chính vợ cháu đã thú nhận khi cháu đặt vấn đề đi xét nghiệm. Cháu không muốn tin những gì cô ấy nói ra, nhưng đáng buồn đó là những lời nói thật. Người con gái mà cháu vẫn hằng thương yêu, chiều chuộng và trân trọng lại phản bội cháu đến mức sinh con cho kẻ khác. Thật là khủng khiếp quá. Cháu vẫn thường tự hào với bạn bè, họ hàng vì cháu có một người vợ thủy chung, hiền thục. Thế mà…

    Đạt lại lặng đi. Trông vẻ suy sụp của Đạt, tôi thương cẩm vô cùng. Tôi cứ có cảm giác như mình đã góp phần làm tan nát trái tim Đạt. Tôi khẽ khàng nói:

    -  Nếu xét nghiệm xong mà ai cũng đau khổ như cháu thì có lẽ cô phải bỏ công việc này mất thôi. Cháu hãy cứng rắn lên, đừng như thế nữa. Cô biết cháu vẫn yêu vợ lắm, vậy hãy tha thứ cho cô ấy lầm cuối cùng đi.

    Anh ta nhìn tôi buồn rầu:

    -  Cô ơi! Trên đời này có người đàn ông nào có thế sống chung dưới một mái nhà với một người vợ và một đứa trẻ là hiện diện của sự phản bội tột cùng như thể không hả cô? Cháu cũng chẳng giấu gì cô, trước khi đến đây xét nghiệm, cháu đã lan thang mấy ngày, đã say rượu nhiều lần và ...đã suýt nữa gheo mình xuống sông Hồng, định chết quách cho xong. Nhưng có mấy cậu thanh niên không quen biết, có lẽ đoán trước được ý đồ của cháu, nên đã kịp thời giữ cháu lại… Giá như họ đừng ngăn cháu có hơn không. Cô ơi, có ai có thể sống chung với một đứa trẻ không phải là con mình mãi mãi được không?

    Tôi trả lời:

    -  Có đấy cháu ạ… Cô sẽ kể cho cháu nghe một câu chuyện.

    Thế rồi tôi bắt đầu kể về một trường hợp tương tự như trường hợp của Đạt. Nhưng người thanh niên trong câu chuyện của tôi đã bao dung và tha thứ cho lỗi lầm của vợ. Nghe xong câu chuyện, Đạt vẫn lặng im. Xem ra, câu chuyện của tôi không thuyết phục được cậu ta.

    -  Đạt vẫn rầu rĩ:

    -  Chỉ có cái chết mới làm cháu quên đi tấc cả. Chỉ có cái chết mới giải thoát được cho cháu vì cháu vẫn thương, vẫn yêu cô ấy mới khó chứ.

    Thấy Đạt vẫn khăng khăng muốn tìn đến cái chết, tôi bắt đầu phải đổi giọng:

    -  Thôi được, cháu muốn chết ư? Dễ lắm. Bây giờ cháu cứ lao nhanh ra giữa đường đang tấp nập xe cộ đi lại kia là xong thôi, còn nếu không đủ can đảm lao ra đường thì hãy về mua một lọ thuốc trừ sâu dốc hết vào miệng, chẳng khó khăn gì. Rồi thì trong dòng họ của cháu, cháu sẽ được lưu danh là một đứa con bất hiếu, một kẻ đớn hèn, chết nhục nhã vì một người đàn bà đã phản bội mình. Chắc là cháu muốn trừng phạt cô vợ để cô ấy phải khóc than, phải đau khổ suốt đời. Cháu nhầm rồi chỉ có người chết là thiệt thòi thôi cháu ạ, và người khổ nhất chính là mẹ cháu đấy. Ai dám khằng định là vợ cháu sẽ ở vậy mà thờ cúng cháu cả đời, hay là cô ta sẽ lấy người khác ngay khi mộ cháu chưa xanh cỏ.

    Những lời khích tường của tôi phần nào làm Đạt tỉnh ra. Anh ta từ từ lấy lại tinh thần và bắt đầu kể…

    “Đạt và Huyền cùng học với nhau từ những năm cuối của bậc phổ thông. Họ thích nhau rồi yêu nhau. Đạt mạnh mẽ, chân thành, Huyền thùy mị, xinh xắn. Cái vẻ “ mỏng mày hay hạt” của Huyền làm Đạt chết mê, chết mệt. Đạt mơ ước về một tương lai rạng rỡ toàn màu hồng. Hai người cùng đăng kí thi vào Đại học Kiến trúc nhưng chẳng may đúng hôm đi thi, Huyền bị cảm nặng sốt cao, không thể đến phòng thi.

    Năm đó, Đạt đỗ đại học. Đạt là chàng trai thành phố có đầy đủ điều kiện để ăn học. Còn Huyền là cô gái tỉnh lẻ, phấn đấu để vào đại học không phải là đơn giản. Hiểu vậy, Đạt đã vui vẻ động viên và tìm mọi cách giúp đỡ Huyền. Những cố gắng của cả hai đã được đền đáp: Huyền cũng đỗ đại học sau Đạt một năm. Tình yêu của họ thuận buồm, xuôi gió. Và con thuyền yêu đương của cặp uyên ương đã cập bến. Một ngày mùa thu sau khi Huyền nhận bằng tốt nghiệp đại học được vài tháng, hôn lễ của họ được cử hành.

    Đạt đã có công việc, Huyền bắt đầu cắp hồ sơ đi tìm việc… Huyền tìm kiếm nhiều nơi nhưng vẫn chưa được. Và cũng có đôi ba lần Huyền về muộn vì phải đi “phỏng vấn” vào giờ ăn tối theo yêu cầu của sếp tương lai.

    Huyền chưa xin được việc thì đã mang bầu. Đạt thương vợ và lo cho sức khỏe của Huyền nên đề nghị vợ chưa cấn đi xin việc vội, sinh nở xong hẵng hay. Đạt chăm chút vợ từng li từng tí, hi vọng sẽ một đứa con “thông minh như cha và xinh đẹp như mẹ”…

    Nhưng rồi một ngày, mây đen bao trùm trên bầu trời hạnh phúc của hai người. Hôm đó sau mấy ngày đi giám sát công trình ở Hà Tây, Đạt nhắn tin về cho vợ: “Sáng mai anh mới về được, vì hôm nay anh vô tình gặp được thầy lang giỏi bốc thuốc cho sản phụ. Đừng sốt ruột nhé”. Và Huyền đáp lại: “ Anh cứ yên tâm, mai hãy về, đừng về buổi tối, nguy hiểm lắm.” May thay ông thầy lang đã có sẵn những thanh thuốc bổ cho Huyền nên Đạt không phải chờ đợi lâu. Xong xuôi mọi việc, anh phóng xe về ngay, bất chấp màn đêm bắt đầu buông xuống.

    Đêm về, gió buốt. Cái lạnh giá của mùa đông thấm vào người, nhưng có can gì khi anh sắp được về với vợ, với con, những người mà anh hết mực yêu quý…

    Đạt bấm chuông. Chẳng hiểu sao bấm mãi mà Huyền không ra mở cửa. Liệu có chuyện gì xảy ra với hai mẹ con không? Sốt ruột quá, Đạt gọi vào đi động của Huyền. May thật, không có chuyện gì cả. Chỉ là “Em đang tắm, đợi em một chút”. Huyền ra mở cửa, trên tay là chiếc khăn tắm to. Cô đang lau mặt.

   -  Trời lạnh như vậy mà tắm táp làm gì, nhỡ cảm thì sao? – Đạt lo lắng hỏi.

    Huyền không đáp lại, tay vẫn lau mặt như muốn che giấu điều gì rồi chạy ngay vào buồng tắm.

    Tuy thấy thái độ của Huyền có vẻ là lạ. Nhưng Đạt phải vào ngắm con trai cái đã. Con trai bé bỏng của anh đang nằm ngon giấc. Anh cúi xuống, hít hít cái mũi để thơm nó, mà không dám sát mặt vào con, sợ nó bị lạnh. Ồ! Sao có mùi gì khó chịu như mùi thuốc lá. Đạt đưa mắt như tìm kiếm thứ gì. Anh dừng mắt ở cái ấm trà. Ai vừa uống mà ấm trà đang còn ấm vậy. Bỗng Đạt thấy tê tái, cái tê tái toát ra từ tâm can, lạnh buốt hơn cả cái lạnh thấu xương của đêm đông. Anh lấy bình tĩnh gọi với vào buồng tắm:

    -  Em pha trà cho ai uống đấy?

    -  À… à… em uống.

    -  Từ trước đến giờ em có uống trà vào buổi tối đâu. Em rất sợ mất ngủ cơ mà?

    -  Nhưng … nhưng… tự nhiên em muốn uống…

    Đạt ngồi phịch xuống giường, mặt áp mặt xuống chăn. Một mẩu thuốc lá nằm lồ lộ trước mặt. Đạt rùng mình lao ra phía cửa sau. Cửa chỉ chốt mà không khóa. Đây là một hiện tượng rất bất thường, vì Huyền chưa bao giờ quên khóa cửa sau khi trời tối. Đạt mở chốt nhìn ra, một màn đêm mênh mông, bao la, lạnh lẽo. Đạt chầm chậm bước vào, nằm phịch xuống giường. Cái cảm giác bị phản bội đang bóp nghẹt trái tim anh. Các hiện tượng xâu chuỗi lại hình thành rõ nét trong óc Đạt. Đạt cố trấn an, cố coi như đó là những chuyện bình thường, nhưng không thể được, không thể tự dối mình được… Đạt không nói được một lời nào nữa.

    Huyền bước ra khỏi buồng tắm, lặng lẽ lấy chìa khóa để khóa cửa sau… Huyền nằm thu lu chẳng nói chẳng rằng với Đạt. Hình như cô đang sẵn sàng đón nhận cơn tức giận của chồng. Nhưng không! Đạt không nổi giận. Đạt không còn sức để nổi giận. Nỗi đau đang gặm nhấm, đang cáo cấu tâm can anh… Đạt càng đau, khi nghĩ đến đứa con. Ôi! Đứa con mà Huyền mới sinh liệu có phải là con của Đạt không? Đạt bất tài, Đạt vô dụng hay Đạt có tội gì mà Huyền nỡ đẩy chồng vào trạng thái khốn khổ như thế này?...

    Từ sau hôm đó, Đạt luôn sống trong tâm trạng đau buồn. Khổ một nỗi là Đạt vẫn rất yêu Huyền, mặc dù Huyền tự thú nhận đã phản bội chồng. Đạt giận mình vì đã để cho Huyền đi xin việc một mình, và sau vài buổi tối bị “phỏng vấn”, Huyền đã không còn là của riêng anh nữa. Tuy đã biết rõ mọi chuyện, Đạt vẫn nuôi một hi vọng mong manh: đứa trẻ vẫn là con của anh…?

    Tôi cảm động trước câu chuyện của chàng trai đã yêu thương vợ hết lòng mà bị phản bội. Tôi an ủi:

   -  Cháu còn rất trẻ, nếu buộc phải chia tay vợ, có thể làm lại tất cả và sẽ hạnh phúc với người con gái nào đến với cháu sau này.

    Chàng trai buồn tầu nói với tôi:

    -  Khó lắm cô ạ, khó tìm được một cô gái vừa được người vừa được nết lại thủy chung lắm. Xã hội bây giờ nhiều cám dỗ quá. Nhưng cô yên tâm, cháu sẽ không dại gì hủy hoại đời mình nữa đâu.

    Chia tay Đạt, tôi dặn dò rất chân thành:

    -  Hôm nay về cháu nhớ không được đi lang thang và không được uống rượu nhé. Hãy tìm đến những người bạn tốt, những người thân yêu đáng tin cậy, họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cháu, giúp chú nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng này.

    Tuy bận rộn với nhiều việc, nhưng câu chuyện đau buồn của Đạt cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Tôi vẫn sợ Đạt làm điều gì đó dại dột. Ngày hôm sau, thấy sốt ruột, tôi gọi điện hỏi thăm tình hình chàng trai. Đầu dây bên kia, Đạt trả lời tôi với giọng nói bình tĩnh, làm tôi thật sự yên lòng:

    -  Cô cứ yên tâm cô nhé. Cháu đã bàn bạc với bố mẹ cháu rồi. Cháu phải quên quá khứ và làm lại tấc cả cô ạ. Cháu rất cảm ơn sự quan tâm của cô.

    Và thế là tôi đã yên tâm về một khách hàng mà tôi vô cùng thương cảm.