Toàn đang đứng trước cửa nhà Thắng. Ngôi nhà khá to, kín cổng cao tường. Trong sân một con béc giê lừng lững đang vẫy đuôi mừng rỡ khi nhận ra người quen. Không hồi hộp như lần đầu đến đây, nhưng hôm nay Toàn vẫn rất lưỡng lự. Không biết có nên bấm chuông không đây? Ai sẽ là người ra mở cửa cho anh? Nếu là cô ô shin hay là Thắng thì tốt quá. Còn nếu là vợ của Thắng thì liệu anh có chịu nổi ánh mắt lạnh lùng của cô ấy không? “Không, mình không nên đến đây nữa, sẽ mãi mãi không đến nữa”.

     Anh ghìm những giọt nước mắt buồn tủi, lui bước ra đi: “Thắng ơi! Hãy hiểu cho anh, anh không muốn gây phiền phức cho cái gia đình đang hạnh phúc, ấm êm của chú nữa. Anh chỉ cần biết rằng anh đã tìm thấy chú, thế là đủ rồi”.

      Tuổi thơ của Toàn gắn liền với những kỉ niệm buồn. Mẹ anh mất đi khi Thắng mới chập chững bước đi, còn anh, lúc đó đã sáu tuổi. Anh chỉ nhớ là sau khi mẹ mất, bố lấy vợ khác. Cuộc sống đói nghèo làm cho gia đình anh luôn luôn lục đục. Cha và mẹ kế của Toàn chửi bới nhau như cơm bữa. Và sau mỗi lần như vậy, anh là cái bung xung để bố trút lên người anh những trận đòn vô cớ.

      Thế rồi một hôm, khác với thường lệ, thay vì bị đòn, bố đã mặc cho anh một bộ quần áo đẹp nhất, mua cho anh một gói kẹo vừng, thứ mà anh thích nhất hồi đó, rồi khăn gói dẫn anh đi…Anh chỉ biết rằng đi khá lâu, đi mỏi rời cả chân mới đến một quán cơm. Bố và người chủ quán nói những gì với nhau anh không được biết. Sau đó, chủ quán sai anh xuống bếp lấy cái chổi. Khi anh quay lên nhà thì bố của anh đã biến mất. Anh la khóc thảm thiết tìm bố, nhưng vô vọng. Từ đó không bao giờ anh nhìn thấy bố nữa…Không biết anh đã bị bán hay bị cho đi trong lần đó.

     Một chi tiết nữa mà Toàn không quên, đó là cái tên của em trai mình, anh còn nhớ, khi em trai lọt lòng, bố mẹ anh bàn nhau đặt tên cho con. Anh nhớ mãi câu nói của bố:

     - Thằng lớn là Toàn thì thằng nhỏ nên đặt là Thắng. Nhà mình nghèo cứ đặt cho nó là Thắng, mong sau này nó thắng được cái đói, cái nghèo.

     Lục lọi trong trí nhớ, Toàn quyết tâm tìm về cội nguồn của mình, mong gặp lại người bố, gặp lại em trai. Vất vả lắm anh mới tìm được mái nhà năm xưa. Nhà đã có chủ mới, chẳng có một ai thân thiết với anh. Một cụ già hàng xóm, người đã chứng kiến giờ phút lâm chung của bố anh, đã kể lại với anh những gì bà nhớ được. Hồi đó, sau khi đã cho đi đứa con trai và cam kết không được gặp nó nữa, bố anh luôn luôn sống trong dằn vặt, nhớ thương và ân hận. Chỉ vì nhu nhược trước người vợ lẽ mà ông phải làm cái việc thất đức đấy. Lúc đó ông thương nó quá, muốn nó ra đi để thoát khỏi những trận đòn sau mỗi lần cái nhau với người vợ lẽ tai ác ấy. Ông nghĩ, dù ở đâu, có đói, có nghèo một chút, có khổ sở một chút, thì ít nhất nó cũng không bị đòn một cách vô tội như khi ở trong chính ngôi nhà của cha nó. Chẳng bao lâu, bố của Toàn lâm bệnh nặng. Những lúc mê sảng, ông thường gọi tên của Toàn và cầu mong con trai tha thứ cho mình. Trước khi nhắm mắt, ông chỉ mong ước một điều: “Xin trời đất hãy thương lấy hai đứa con trai của tôi, hãy dẫn lối, đưa đường cho chúng nó tìm lại được nhau, để chúng được yêu thương nhau và chăm sóc cho nhau”. Ông gửi thằng thứ hai (tức là Thắng bây giờ) cho một người đàn bà nhân hậu nhất trong làng. Sau này Thắng được một gia đình khá giả trên thị xã nhận làm con nuôi vì họ không có con.

     Nhờ sự tận tình giúp đỡ của rất nhiều người và nhờ vào nỗ lực của bản thân, Toàn đã tìm được người thân duy nhất của mình, đó là Thắng, em trai của anh. Niềm vui hội ngộ chưa được bao lâu, thì phiền toái đã xảy ra, khiến cho người em trai của Toàn lâm vào tình trạng khó xử. Và bản thân anh mỗi lần đến với em, là một lần đắn đo, do dự.

     Vốn là đứa trẻ sớm bị vứt vào đời, Toàn rất nhạy cảm với những ánh mắt lạnh lùng, với những lời nói miệt thị. Tuy rằng, cuộc sống của anh giờ đây đã khá hơn. nghề nghiệp của anh đã ổn định. “Trông lên thì chẳng bằng ai” nhưng “trông xuống thiên hạ thì chẳng ai bằng mình”. Toàn bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại. Lâu lắm rồi, anh không bị ai nhìn mình với ánh mắt như của cô em dâu. Ánh mắt ấy như nói với Toàn rằng: “Đừng có thấy người sang mà bắt quàng làm họ”. Gần đây đứa con gái lớn của Thắng cũng có những biểu hiện giống mẹ nó: Khinh thường và thậm chí đã có lúc buông ra những lời nói khó nghe, khiến anh không chịu nổi.

      Đã nhiều lần, Thắng nổi nóng với vợ, với con vì cách cư xử nói năng của họ làm tổn thương người anh trai của mình. Thắng thương anh trai và muốn làm tất cả để hài lòng anh. Hoàn cảnh của Thắng thừa sức để Thắng có thể thực hiện được điều đó. Nhưng tất cả những cái đó không làm cho Toàn vui vẻ, thoải mái. Nhiều lúcToàn nghĩ, giá như Thắng cũng bình dân như anh: Không địa vị, không giàu có, thậm chí, còn nghèo khổ hơn anh thì có khi lại hay hơn nhiều. Anh chỉ cần có tình yêu thương, gắn bó giữa hai anh em chứ anh đâu có cần gì khác.

      Bây giờ, sự xuất hiện của Toàn làm cho quan hệ vợ chồng, con cái của Thắng trở nên căng thẳng. Thôi! Tốt nhất là Toàn không nên đến nhà Thắng nữa…

     Về phần Thắng, tự nhiên thấy anh không đến chơi thường xuyên với mình, đâm ra nhớ thương anh và cảm thấy có lỗi với anh. Là người thông minh, Thắng hiểu ngay nguyên nhân sự nhãng ra của người anh. Vì vậy, tuy rất bận rộn với công việc của công ty, anh vẫn quyết định bỏ ra mỗi tuần một buổi để đến chơi với anh trai. Thế là, hai anh em lại thường xuyên gặp nhau, nhưng không phải ở vi - la của Thắng mà là ở căn nhà lắp ghép của Toàn. Thắng đã sắm cho anh trai một chiếc điện thoại di động để thỉnh thoảng hai anh em còn trò chuyện với nhau khi không có điều kiện gặp mặt. Mỗi lần đến với Toàn là một lần Thắng khệ nệ bê những món ăn, những đồ dùng mà Thắng tự cảm nhận được là anh mình sẽ thích. Mỗi lần như vậy, người anh rất cảm động: “Anh chỉ cần chú đến với anh, anh không giàu có như chú nhưng anh cũng không thiếu thốn gì. chú đừng lo cho anh nhiều quá như thế”.

      Một hôm, trước khi chia tay anh ra về, Thắng dè dặt nói nhỏ:

      - Anh à, có điều này em rất ngại phải nói với anh, nhưng vì vợ em nó có ý muốn thế nên em ….khó xử quá..

      Toàn đáp:

      - Chú cứ nói đi, đã là anh em thì có gì mà ngại ngùng kia chứ. Tình cảm của chú đối với anh thế nào chẳng lẽ anh lại không biết sao?

      Thắng mạnh dạn:

      - Cô ấy bảo rằng hai anh em mình nên đi xét nghiệm ADN xem có cùng huyết thống không? Anh à, anh cứ nghĩ đi, nếu anh đồng ý thì ta đi, còn nếu không thì thôi, coi như em chưa nói gì nhé.

      Thắng ra về, Toàn lững thững đi vào trong nhà. Lời đề nghị của em dâu nghe thì nhẹ nhàng vậy nhưng sao anh thấy buồn, thấy tủi. Có lẽ lòng tự trọng và danh dự của anh bị tổn thương …

      Mấy ngày liền anh đắn đo suy tính: đi xét nghiệm thì sao mà không đi thì sao. Nếu đi xét nghiệm có nghĩa là anh đã chấp nhận bị người ta xúc phạm, nếu không đi thì sẽ không vừa lòng cô em dâu, sẽ không có một bằng cứ xác nhận tình máu mủ ruột thịt của hai anh em. Cô ấy sẽ có lí do để mặt nặng mày nhẹ, tiếng bấc tiếng chì với em trai của anh, làm khó cho chú ấy…Thôi, thà mình chịu thua thiệt một chút, còn hơn để cho em trai phải khó xử với vợ, với con. Cuối cùng anh đã đi đến quyết định vì sự êm ấm của gia đình người em, anh sẽ cùng Thắng đi xét nghiệm ADN theo yêu cầu của em dâu.

      Đã xác định rồi thì còn gì phải do dự nữa, anh gọi điện cho Thắng và hẹn ngày ra Hà Nội làm xét nghiệm. Nhận được điện của anh, Thắng cảm ơn rối rít:

     - Em thực sự cảm ơn lời chấp nhận của anh, em cũng rất muốn anh tha lỗi vì đã yêu cầu anh làm việc này. Hôm tới, em sẽ thuê một chuyến xe về Hà Nội. Em sẽ cho vợ và con gái em đi cùng. Cứ coi như là đi chơi thăm thủ đô, đàn bà họ hay đa nghi, cho cô ấy ra, tận mắt chứng kiến người ta lấy mẫu của anh em mình để xét nghiệm, sau này còn thắc mắc nữa là không xong với em đâu.

       Toàn nhẹ nhàng khuyên em:

      - Chú phải thông cảm với cô ấy và chiều ý cô ấy, hoàn cảnh của vợ chú khác chúng ta nhiều. Cô ấy có đầy đủ tình thương của cha mẹ từ nhỏ, nhà lại đông anh chị em, cô ấy không thể hiểu hết được tình cảm thiêng liêng của hai anh em chúng mình, cả nhà chỉ có hai anh em mà sớm đã bị cô đơn, sớm đã bị chia lìa. .

      Thế là một ngày nghỉ cuối tuần, bốn người trên một chiếc taxi ra Hà Nội. Họ đi thẳng đến Trung tâm phân tích ADN để xin xét nghiệm quan hệ anh em. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục xét nghiệm, họ trở về nhà nghỉ, để chuẩn bị cho một chương trình tham quan và vui chơi ở Hà Nội trong thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm.

       Ngày lấy kết quả xét nghiệm cũng là ngày họ rời Hà Nội. Trước khi trở về thành phố cảng, một chiếc taxi lại đưa họ qua Trung tâm phân tích ADN. Nhận tờ kết quả xét nghiệm với dòng kết luận nổi bật: “Là hai anh em ruột”. Toàn và Thắng bắt tay nhau, ôm nhau, cả hai đều vô cùng cảm động. Người em nói:

       - Bây giờ thì chẳng ai chia lìa được anh em mình nữa, phải không anh? Mọi việc diễn ra tốt đẹp đúng như dự đoán của chúng ta . Anh hãy cho em được bù đắp mọi thiệt thòi mà anh phải chịu từ thời thơ ấu nhé.

       Vợ Thắng đứng cạnh cũng hoà theo thanh minh:

      - Anh Thắng nói phải đấy, bác Toàn cứ để anh ấy chăm lo cho. Hai người là hai anh em ruột của nhau mà chẳng giống nhau mấy nên em cũng có chút hoài nghi. Mong bác bỏ qua những điều không nên, không phải của mẹ con em.

      Toàn vui vẻ:

      - Tất cả chỉ là hiểu lầm thôi mà. Anh chỉ mong cô chú hiểu anh. Anh không mong gì hơn cả. Thôi, chúng mình cám ơn mọi người rồi về luôn cho sớm sủa.