Người đàn bà đang ngồi nói chuyện với tôi trông tiều tụy quá. Đôi mắt chị thật buồn. Buồn như câu chuyện mà chị đang giãi bày với tôi, chị kể:

    Cách đây vài chục năm rồi, một nỗi đau không gì sánh được đã bóp nghẹt trái tim tôi. Đó là đứa con gái duy nhất của tôi bỗng dưng mất tích. Buổi chiều nó còn xúng xính trong bộ quần áo mới để chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa cùng các anh các chị hàng xóm. Thế mà ngay đêm đó, không ai còn nhìn thấy nó nữa. Tôi đã ngất lên ngất xuống sau tin sét đánh này. Ngay đêm đó, cả họ hàng nội ngoại của tôi đã tung người đi khắp nơi, huy động mọi phương tiện có thể để tìm cháu… Nhưng vô vọng…

     Thời gian trôi đi, vợ chồng chúng tôi vẫn nuôi hy vọng tìm lại con… Chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng lên tàu lên xe mong điều kỳ diệu sẽ đến.

      Trong hành trình tìm con, tôi đã gặp không biết bao nhiêu những mảnh đời bất hạnh. Những người con gái mà tôi từng gặp, từng nghĩ đó là giọt máu của mình đều đáng thương lắm chị ạ. Chúng sống trong đau khổ, tủi hờn và nhiều đứa oán giận số phận, oán giận những người đã sinh ra nó, bởi chúng không hiểu vì sao chúng bị bơ vơ, vì sao chúng không cha không mẹ, không một người thân thích. Không biết rằng con gái tôi có hiểu cho nỗi lòng của cha mẹ nó không? Nó bị thất lạc chứ đâu có phải chúng tôi bỏ rơi nó.

Người con gái mà tôi tìm được gần đây nhất có tên là Hiên. Tiếc rằng khi vợ chồng tôi đến nơi thì Hiên đã lìa đời và để lại một đứa con thơ dại. Tôi đã đưa cháu về nhà và đang chăm sóc cháu, cháu ốm yếu lắm nên phải đợi cho cháu khỏe hơn lên tôi sẽ đưa cháu đến xét nghiệm xem cháu có phải là cháu ngoại của tôi không?

      Theo lời những người bạn trọ cùng với cô gái trong một gian nhà lụp xụp thì Hiên là người đáng thương nhất trong số họ. Họ làm nhiều nghề lắm, từ việc thu mua đồng nát, bán vé số, cửu vạn… Những cái nghề dành cho những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Mỗi người trong số họ đều có những khó khăn vất vả nhất định, nhưng ít nhiều họ cũng có một chốn đi về và những mái nhà ấm áp nào đó sau những ngày bươn trải tìm miếng ăn. Nhưng với Hiên, Hiên không có gì hết ngoài đứa con gầy gò xanh xao mà người đời vẫn gọi là “con hoang”. Hiên như một cánh bèo giữa sông nước mênh mông bị sóng gió cuộc đời xô đẩy và đã trôi dạt về đây.

     Khi Hiên mới đặt chân tới vùng này người ta nhìn cô với ánh mắt thăm dò và thiếu thiện cảm. Hiên rất ít nói, chỉ buồn và khóc nhiều. Lâu dần, mọi người thấy cô chăm chỉ, hiền lành không có biểu hiện gì của một cô gái hư hỏng nên mọi người thương cảm. Hiên cũng dần hòa nhập với họ và rồi Hiên sống trong hoàn cảnh “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trong cái nhà trọ rẻ tiền này. Chị em bắt đầu hiểu hoàn cảnh của Hiên.

      Hiên chỉ biết là bỗng dưng cô rơi vào một nơi toàn người xa lạ, cô không nhớ một điều gì và không làm sao biết đường tìm về nhà vì lúc đó cô còn quá bé. Cô được người ta dạy cho những việc lặt vặt như: nhặt rau, quét nhà, rửa bát… tại một quán cơm. Được vài năm sau đó, chẳng hiểu sao họ lại chuyển Hiên đến một quán cơm khác to hơn, đẹp hơn. Tại đây, cô được vợ chồng nhà chủ đối xử khá tử tế. Hiên còn được bà chủ nhà dạy cho biết đọc, biết viết. Cô thấy tạm ổn và an phận tận tâm phục vụ chủ nhà. Thời gian trôi đi, Hiên đến tuổi dậy thì, ông chủ trẻ bắt đầu để ý. Đã rất nhiều lần ông chủ có những hành động xàm sỡ với cô. Cô biết phận mình nên đã hết sức né tránh trong im lặng và sợ hãi. Một buổi tối, cô đang lau dọn phòng ăn thì bất ngờ một đôi tay rắn chắc ôm choàng vào ngực cô từ phía sau. Cô sợ quá la lên, bà chủ từ phòng trong bước ra…. Thế là sau đó, dù có quý Hiên đến mấy, bà chủ vẫn phải chia tay với Hiên.

      Sau đó một vài tuần, cô bị chuyển sang một chủ mới. Đến với chủ mới chẳng được bao lâu thì cô đã phải trốn chạy vì bà chủ mới không bao giờ có một lời nói tử tế với cô, coi cô là đứa con hoang , tuôn ra những lời nói miệt thị và khinh bỉ cô. Bà “dạy bảo” cô theo cách “thượng cảng chân hạ cẳng tay”. Cô bỏ đi và trở thành đứa bé lang thang. Kết bạn với những đứa bé bán vé số dạo.

     Tưởng may mắn sẽ đến với Hiên khi cô thường xuyên gặp được một vị khách tốt bụng. Mỗi lần gặp cô là anh ta mua hết số vé mà cô có trong tay. Một hôm, vị khách nhờ cô về giúp việc với lý do là: “vợ anh sắp ở cữ nên anh muốn nhờ em đứng bán hàng tạp hóa giúp anh một thời gian. Nếu muốn bán vé số, em cứ kiêm luôn”. Hiên chẳng ngại ngần gì gật đầu ngay. Anh ta không nói dối, đúng là vợ anh ta sắp đẻ thật.

      Nhưng rắc rối lại xảy đến. Người đàn ông có vợ đang nằm ổ kia, lại liên tục tán tỉnh cô, hứa hẹn đủ điều. Đáng tiếc là cô đã ngả lòng trước những lời đường mật đó mà không suy nghĩ được gì xa xôi hơn.

     Hiên mang bầu. Bố của đứa trẻ nhiều lần khuyên Hiên nên bỏ cái thai đi “ Nếu em nghe theo anh thì hai ta sẽ là bạn của nhau mãi mãi. Nếu em cứ để cái bụng to lên thì gia đình anh sẽ nát mà chúng mình khó yên thân với vợ anh”. Hiên đã suy nghĩ rất nhiều và rồi cô cũng sáng suốt hiểu được rằng mình sẽ chẳng là cái gì của anh ta nếu đem cân đong đo đếm giữa một bên là vợ là con, là một gia đình đầy đủ với một bên là cô, một người tình đơn côi không gốc gác, đã từng lang thang kiếm sống thì anh ta sẽ chọn ai? Đương nhiên anh ta sẽ không thể và sẽ không bao giờ chọn Hiên. Tình cảm giữa cô và ông chủ chỉ là nhất thời và mong manh sẵn sàng đứt gãy. Cô sẽ lại bơ vơ. Người thân yêu nhất của cô sẽ là đứa con trong bụng, làm sao cô có thể bỏ đi để rồi lại mãi mãi cô đơn trên cõi đời này. Cô quyết định bằng mọi giá giữ lại cái thai. Hiên đã ví mình như một tên trộm đã đánh cắp được đứa trẻ từ người đàn ông đã có gia đình. Nếu không cao chạy xa bay, tránh xa vợ anh ta ra, sẽ có ngày cô lĩnh đủ hậu quả…

Hiên thẳng thắn nói tất cả suy nghĩ của mình với chủ nhân của cái thai trong bụng cô. Người ấy dù có luyến tiếc Hiên đến đâu thì cũng chẳng có gan để giữ cô ở lại trong nhà. Anh ta cũng tỏ ra biết điều, trao cho Hiên một quyển sổ tiết kiệm trước khi chia tay… Hiên ra đi và cắt đứt mọi quan hệ với người ấy. Cô đã tìm một nhà trọ xa nhà anh ta, chờ ngày sinh con. Khi đứa trẻ đã cứng cáp, cô chuyển hẳn ra vùng ngoại ô và đến khu trọ này.

Hiên làm việc cật lực, không nề hà bất cứ việc gì. Có đồng nào cô lại gửi hết vào tiết kiệm. Hiên bảo rằng cuốn sổ tiết kiệm này là của con cô.