Chị kể với tôi rằng, hồi chiến tranh chống Mỹ, chị cùng với một số con em của các cán bộ Miền Nam được gửi ra Bắc ăn học, để bố mẹ ở lại yên tâm công tác. Hồi đó, mẹ chị là một cán bộ cách mạng, còn bố chị là ai thì chị hoàn toàn không biết. Ra Bắc, được học hành tử tế rồi sau đó chị còn được nhà nước cho đi nước ngoài học tiếp…

     Cũng như nhiều học sinh miền Nam lúc đó tập kết ra Bắc, ai cũng nghĩ rằng, chỉ hai năm sau là họ được trở về quê. Nào ngờ, thời gian xa quê của họ kéo dài hàng chục năm trời. Hàng chục năm đó, chị không hề nhận được một chút tin tức gì từ mẹ của chị. Tuy vậy, chị luôn cố gắng học tập và hy vọng, cầu mong đến ngày chiến thắng để được về với mẹ…

     Ngày chiến thắng cũng đến. Người trở ra Bắc, kẻ về lại miền Nam, xôn xao náo nức khắp cả nước. Lúc này, chị đã là một bà mẹ. Hai con chị đã lớn. Chị để lại các con cho chồng và mẹ chồng chăm sóc rồi trở về Nam một chuyến, mong sao tìm được mẹ.

    Về lại quê nhà, nơi mà năm xưa chị đã sống với mẹ, nhưng buồn thay mẹ đã không còn ở đó. Chị lần đến những người đã từng hoạt động cách mạng với mẹ hồi đó. Qua bao ngày, bao đêm vất vả chị mới có được tin tức chính xác về mẹ. Một tin thật đau buồn. Mẹ chị đã hy sinh. Những đồng đội của mẹ kể rằng, trong cuộc hành quân hôm đó mẹ chị và hai đồng chí nam giới là ba người chỉ huy đi sau cùng trong đoàn, họ cần hội ý về trận đánh tiếp theo nên lùi lại phía sau. Bỗng cả đoàn nghe một tiếng nổ lớn. Tất cả cùng quay lại. Ôi thôi! ba chỉ huy của họ đã mỗi người một nơi, xương tan, thịt nát. Ở chiến trường, chuyện chết chóc là chuyện thường diễn ra, nhưng ba chiến sĩ ưu tú của đơn vị cùng lúc hy sinh là tổn thất và đau thương vô cùng lớn. Tất cả đã chung tay chôn cất 3 đồng đội của mình. Dân địa phương, cùng quân giải phóng đã chăm sóc và giữ gìn ba ngội mộ đó.

     Chị tìm đến ngội mộ có ghi đầy đủ tên, tuổi và ngày hy sinh của mẹ. Chị thắp hương cho mẹ trong niềm thương xót của đứa con duy nhất về với mẹ. Chị ngậm ngùi phải để mẹ nằm lại đó, nhờ vào sự chăm sóc của ủy ban nhân dân và bà con địa phương. Chị phải trở về Hà Nội tiếp tục công việc và bàn tính xem sau này sẽ chuyển mẹ đến đâu…

      Năm nào, vào ngày giỗ mẹ, chị cũng về lại nơi mẹ yên nghỉ để chăm nom phần mộ cho mẹ.

      Đã nhều lần, chị xin được đưa hài cốt của mẹ ra Bắc để tiện việc hương khói cho mẹ. Nhưng không được phép, vì mẹ chị là một liệt sĩ. Mà mộ liệt sĩ phải nằm dưới sự quản lý của chính quyền. Chỉ khi chị có kết quả giám định ADN, khẳng định giữa hài cốt với chị có quan hệ huyết thống, thì chị mới được nhận. Thế là chị phải chờ… chờ đến khi có một cơ quan khoa học làm xét nghiệm ADN giữa chị và bộ hài cốt của mẹ… Chị phải chờ, chờ lâu lắm. Vì hồi đó, việc xét nghiệm hài cốt liệt sĩ đang trong giai đoạn nghiên cứu…

     Chờ mãi rồi cũng đến ngày chị mong đợi. Những bộ hài cốt đầu tiên đã được gửi ra Hà Nội để xét nghiệm, trong đó có bộ hài cốt của mẹ chị và hai đồng đội của mẹ. Chị hy vọng rằng chẳng còn bao lâu nữa, chị sẽ được nhận phần mộ của mẹ và đưa mẹ về một nghĩa trang liệt sĩ gần gia đình ở ngoài Bắc…

     Nhưng thật không ngờ, mẫu hài cốt được khai quật chính từ ngôi mộ có tấm bia khắc tên của mẹ chị khi được xét nghiệm với chị thì cho ra một kết quả đầy thất vọng: Chị và nữ liệt sĩ đó chẳng hề có quan hệ huyết thống với nhau.

     Chị buồn rầu ôm nỗi tuyệt vọng trở về nơi mẹ đã hy sinh, mong sao mọi người quanh đó giúp chị kiểm tra lại một lần nữa, xem có sự nhầm lẫn nào không… Thật buồn cho chị, ai cũng khăng khăng, không có sự nhầm lẫn nào cả. Mọi chi tiết khiến họ khăng khăng như vậy vì: Hai liệt sĩ cùng hy sinh một lúc với mẹ, đã có chủ khi xét nghiệm với người nhà của họ. Ngôi mộ còn lại là của phụ nữ, chỉ có thể là của mẹ chị mà thôi …

     Ai cũng thương chị. Theo phân tích của mọi người lúc đó thì, người phụ nữ đang nằm dưới nấm mồ kia chính là mẹ chị, nhưng bà chỉ là mẹ nuôi của chị, chứ không phải là mẹ đẻ.

     Trước phân tích rõ ràng của tất cả mọi người, chị thấy cũng có lý. Chị rất buồn. Mẹ nuôi đã mất rồi, vậy mẹ đẻ của chị là ai? Bà đang ở đâu? Liệu bà còn sống không? Chị thấy nghẹn lòng, tủi phận quá. Chị xin ủy ban cho chị được đưa thi hài của mẹ nuôi về gần chị, vì với chị, mẹ vẫn là người người thân yêu duy nhất trên đời này. Mẹ vẫn là người mẹ của chị từ tấm bé. Nhưng nguyện vọng của chị không được đáp ứng. Bởi lẽ, trước sau gì, ngôi mộ của nữ liệt sĩ này sẽ có người đến nhận. Lúc đó, họ biết tính sao khi đã giao ngôi mộ đó cho chị mất rồi? Chị lại đành quay ra và chờ đợi. Người ta hẹn, nếu một thời gian dài, không có ai nhận thì chị mới được xét để nhận ngôi mộ này. Nhưng mà, thời gian dài là bao lâu, thì chẳng ai dám khẳng định. Và xét như thế nào, thì cũng chẳng ai biết.

     Cho tới gần một năm sau, ngôi mộ của mẹ nuôi chị có một người phụ nữ được nhận về. Kết quả xét nghiệm chứng tỏ người này là em ruột của mẹ nuôi chị. Được tin này chị lập tức bay vào. Chị hy vọng qua người em gái của mẹ nuôi, chị sẽ biết được gốc gác của mình. Quả thật như mọi người đã dự đoán, chị đúng là con nuôi của mẹ. Người phụ nữ nọ đã kể với chị rằng, khi chị mới bập bẹ biết nói thì mẹ đẻ của chị đã gửi chị cho bà ngoại. Bà ngoại chị đã già, không có sức khỏe và lại quá nghèo nên cũng không đủ sức nuôi chị. Mẹ nuôi của chị lúc đó là một cô gái rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Là người đang tham gia tích cực vào các hoạt động trong hàng ngũ những Thanh niên yêu nước tiêu biểu. Bà ngoại chị lúc đó đã ngỏ ý muốn gửi đứa cháu của mình cho người con gái đó. Bà mong sau này, cháu của bà có một người mẹ nuôi tốt. Thế là chị thành con nuôi của cô gái trẻ từ đó. Mẹ nuôi của chị luôn dặn dò mọi người rằng: “một bé gái xinh xắn, ngoan ngoãn như thế mà phải xa mẹ, xa cha, tội nghiệp quá. Xin mọi người đừng để nó biết nó là con nuôi. Cứ coi như nó có cha có mẹ hẳn hoi. Nếu nó có hỏi về cha thì cứ nói là cha đi công tác xa…”

     Từ những thông tin quý báu đó, Chị bắt đầu hành trình tìm kiếm cha mẹ ruột của mình. Chị đăng tin tìm kiếm mẹ khắp nơi, nhờ vả tất cả những ai có thể nhờ được. Còn Người mẹ ruột của chị, sau nhiều năm xa con, cũng khao khát muốm tìm lại con. Bà cũng đăng tin tìm con, và cũng ráo riết nhờ người giúp bà thực hiện mong ước này trước khi nhắm mắt, vì bà đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Trước nỗ lực của chị và của người mẹ già tìm con, Nhiều cuộc gặp mặt đã diễn ra. Tuy vậy, chị vẫn chưa tìm đựoc mẹ. Mãi sau này, Dựa vào nhiều nguồn tin đáng tin cậy, nhiều tình tiết đặc biệt, chị đã dám chắc là mình sắp đươc gặp mẹ. Một cuộc hội ngộ tưởng chừng rất cảm động sẽ diễn ra. Nào ngờ, cuộc hội ngộ đã không thành. Người mẹ chẳng nhận ra con, bởi bà chỉ nhìn vào vẻ bên ngoài của con. Người mẹ đã già quá rồi nên có lẽ kém minh mẫn. Bà đã lắc đầu khi thấy người phụ nữ đến nhận mình là mẹ không giống như trong tưởng tượng của bà. Bà không hiểu được rằng, bà xa con mình khi nó mới 2 tuổi, bây giờ người con đó cũng đã lên chức bà, làm sao có thể dựa vào hình thức bên ngoài mà nhận con được. Thấy mẹ lắc đầu, chị buồn lắm. Trong thâm tâm, chị đã hy vọng mẹ sẽ ôm chầm lấy chị. Mẹ con chị sẽ mừng mừng, tủi tủi. Chị sẽ sẵn sàng tha thứ cho mẹ, cho dù mẹ đã bỏ rơi chị vì bất cứ lý do gì. Chị đau lòng bởi mẹ đã không nhận chị.

     Vậy là phải nhờ đến xét nghiệm ADN. Chị Xin phép được ôm mẹ, nhổ mấy sợi tóc sâu cho người mà chị tin chắc là mẹ của mình. Chị buồn rầu chia tay mẹ, và hẹn với mẹ rằng:” con sẽ sẵn sàng bay đến với mẹ , nếu mẹ nhận ra con là đứa con gái năm xưa của mẹ”.

    Về tới sân bay Nội Bài, chị bắt xe về thẳng Trung Tâm phân tích ADN và công nghệ Di truyền để xin làm xét nghiệm ADN giữa mẫu tóc của mẹ với mẫu máu của chị.

     Ngay ngày hôm sau, bà cụ đã chủ động gọi điện cho chị. Bà thực sự hối hận vì đã hờ hững khi gặp con. Bà khóc rất nhiều. Bà muốn chị tha lỗi, muốn chị vào ngay với bà, để bà được ôm chặt lấy chị. Chị cũng khóc rất nhiều. Hai mẹ con nghẹn ngào nói chuyện với nhau hàng ngày, hàng giờ qua điện thoại…Càng nói, hai mẹ con càng xít lại gần nhau… Chị lại vội vàng thu xếp công việc, Đến Trung Tâm phân tích ADN nhận kết quả xét nhgiệm, rồi từ đó, bay thẳng vào với mẹ. kết quả xét nghiệm ADN trong tay chị đã khẳng định, chị là con của mẹ rồi. Mẹ chị đã quá già rồi. Quỹ thời gian của mẹ sắp kiệt. Dù mẹ đã không nuôi dưỡng chị cho tới lúc trưởng thành, nhưng mẹ là người đã sinh ra chị. Chị phải tranh thủ thời gian để đền đáp công ơn sinh thành đó.