Đám tang của ông Thành được dự đoán sẽ rất trang trọng và đông khách bởi ông là một chuyên gia có tiếng trong ngành cầu đường.
Khách đến từ Hà Nội, từ các địa phương, thay nhau vào viếng ông. Ai ai cũng thương tiếc cho một con người có tài, hiền lành và say sưa với công việc như ông.
Các con ông đã trưởng thành cả, ngày tang lễ cha không vắng một ai. Những tiếng khóc lúc to, lúc nhỏ cứ triền miên trong suốt buổi tang lễ…
Bỗng đâu một người đàn bà với đôi mắt sưng húp do khóc quá nhiều dắt theo hai đứa trẻ, có lẽ là con của chị ta và hình như họ từ rất xa đến. Họ đứng vào một góc khuất. Người đàn bà không dấu được đau đớn, tiếng khóc thật thương tâm. Hai đứa trẻ khép mình vào mẹ cũng khóc như mưa. Rất nhiều người xung quanh phải xụt xịt vì thương xót và họ không khỏi thắc mắc: những nhân vật này có quan hệ gì với con người đang yên nghỉ trong linh cữu kia mà đau khổ đến thế. Chỉ có những người thương yêu ruột thịt với người đã khuất mới có các biểu hiện thương tâm đến như vậy.
Buổi lễ tang kéo dài từ sáng sớm cho tới tận trưa. Phút tiễn đưa cuối cùng cũng đã đến. Mọi người nối đuôi nhau chầm chậm theo sau chiếc xe tang. Ba mẹ con người đàn bà nọ cũng hoà vào dòng người đông đúc kia, họ cố bám vào nhau như để đi cho vững.
Khi dòng người toả ra, ai về nhà nấy thì ba mẹ con đã lẳng lặng chiếm được chỗ ngồi trên xe tang để đưa tiễn người xấu số đến tận nghĩa trang và họ là những người cuối cùng rời khỏi ngôi mộ, để lại lên xe trở về nơi xuất phát.
Đợi cho khách khứa về hết, Người đàn bà dắt hai đứa con đến trước mặt vợ ông Thành và nói ngắt quãng trong nước mắt:
- Xin chị hãy tha lỗi cho em, hãy chấp nhận em ... làm thứ... Em đã nhiều lần xin với anh ấy được về ra mắt chị và tạ tội với chị, nhưng…Anh ấy cứ một mực ngăn cản; nên em không dám i…Giờ đây anh đã mất rồi…Chị hãy rộng lòng tha thứ cho em và... cho cả anh nữa, cho em được chịu tang anh ấy, được hương khói, được thăm nom, chăm chút phần mộ cho anh ấy.
Lời thú nhận của chị ta không làm mấy người ngạc nhiên. Sự xuất hiện của chị và hai đứa con trong đám tang là quá khác thường, vì vậy, không ai bảo ai, những người trong gia đình, trong họ hàng của ông Thành đều đã ngấm ngầm nhận ra danh phận của mẹ con chị. Người vợ chính thức của ông thì còn nhạy cảm hơn. Bà rất bình tĩnh như đã chờ đợi giây phút tự thú này, bà lạnh lùng nói:
- “Nghĩa tử là nghĩa tận” Chị cứ đúng nghi lễ mà thắp hương cho ông ấy. Tôi đâu dám nhận lời xin lỗi của chị. Chị muốn làm gì tùy chị
Dứt lời, bà quay ngoắt, đi thẳng vào trong buồng.
Trái tim bà đang bị bóp nghẹt bởi nỗi đau mất chồng xen với nỗi hận bị chính người chồng phản bội. Đàn ông là vậy đó, một người có tiếng chỉnh chu, hiền lành như ông mà cũng dám xây lâu đài hạnh phúc thứ hai ở đâu đó, lâu đến mức đã có cả đàn con lớn, bí mật đến mức chẳng ai hay, ai biết gì, cho đến giờ đây, sau phút chót của cuộc đời.
Cái gia đình của ông đã buồn thương tang tóc, giờ lại càng nặng nề hơn bởi cái phần chìm của cuộc đời ông. Duy chỉ có một người biết thông cảm, biết xẻ chia với ông đó là người con trai cả. Anh đã biết được cái tổ nhền nhện của người cha sau một chuyến đi công tác.
Chả là hai bố con anh cùng trong ngành cầu đường, nhưng lại làm ở hai cơ quan khác nhau. Cả hai đều hay đi giám sát công trình ở nhiều địa phương. Tình cờ một lần anh thấy ai như cha mình đang xách một cái làn đầy thức ăn đi ra từ một quầy hàng của cái thị xã mà anh đang công tác. Anh im lặng tiến lại gần hơn và bí mật quan sát. Anh vô cùng ngạc nhiên nhận ra đấy đích thực là cha mình. Anh nghĩ: ‘‘Không có lẽ trên đời này lại có người giống như đúc cha mình? Mà cha mình có bao giờ biết đến công việc chợ búa đâu cơ chứ’’. Từ nhỏ tới giờ anh chưa từng một lần nhìn thấy cha bước vào một cái chợ nào ở Hà Nội. Chưa từng thấy cha làm một việc gì mang tính nội trợ, thậm chí ông chưa hề biết cầm cái chổi quét nhà. Thế mà giờ đây, ông đang là một người nội trợ thực thụ, thật là một điều hết sức kinh ngạc đối với anh.
Anh lặng lẽ theo chân ông để tìm ra lời giải cho sự bí hiểm này. Anh thấy ông bước vào một cánh cổng nhỏ. Một bé trai chạy từ trong nhà ra đón ông, nó vừa chạy, vừa reo lên rất to: ‘‘hoan hô ! Bố đã về’’. Anh vẫn đứng đấy, lặng đi. Một lúc sau, anh thấy ông khệ nệ bê ra giếng một chậu quần áo và lúi húi mãi ở đó. Anh tức giận vô cùng: Cha anh đã có một người đàn bà khác và đã có những đứa con riêng.
Anh nặng nề bước đi khỏi, chưa biết sẽ phải làm gì trước phát hiện quá bất ngờ và quá sức tưởng tượng này. Sau bữa đó, anh đã lánh mặt cha, bỏ nhà đi một thời gian dài với cái cớ rất hợp lý: đi giám sát công trình… Anh không dám lộ điều bí mật này với mẹ mình vì anh hiểu tính bà. Ở bà không có sự bao dung, không có sự chia sẻ ngay cả những việc cỏn con, huống chi việc tày đình như vậy…
Nhưng rồi không thể cứ lẩn tránh sự thật được mãi, cuối cùng anh buộc phải có cuộc nói chuyện hết sức nghiêm túc với cha. Anh kể hết những điều mắt thấy, tai nghe, buộc người cha phải thú nhận toàn bộ sự thật với anh.
Biết không thể dấu được con, ông Thành đã nói thật tất cả.
Trong một chuyến đi khảo sát thực địa nhiều ngày của một nhóm cán bộ, trong đó có ông Thành, họ đã gặp và làm việc với một cô gái là nhân viên của phòng địa chính huyện. Đã từng đi công tác nhiều nơi, từng gặp nhiều cô gái, nhưng chưa có ai gây cho họ nhiều cảm tình như cô. Tác phong nhanh nhẹn, ăn nói lễ phép, đứng đắn, đúng mực, lại có khuôn mặt rất đễ thương làm cho đám bạn của ông luôn tìm cớ để được làm việc bên cạnh cô gái. Cứ tối tối, về đến nhà nghỉ là đám thanh niên lại bàn tán mọi chuyện và không bao giờ là không nhắc đến tên cô. Là người đàn ông, cũng như trăm ngàn người đàn ông khác, ông Thành cũng thích ngắm người đẹp và đã nhiều lần bí mật ngắm nhìn cô gái. Đúng là cô gái rất dễ thương, nhưng lúc đó ông Thành chỉ nghĩ rằng dù cô có hấp dẫn đến đâu thì cũng chẳng phải là của mình. Tán tỉnh làm gì, chỉ gây phiền toái. Nhưng đám bạn bè của ông lại cứ lôi ông vào cuộc. Số là, sau nhiều lần cưa kéo, chẳng có anh nào lọt được vào mắt xanh của người đẹp. Thế là họ bầy trò thách đố với nhau xem ai chinh phục được người đẹp. Chỉ có mỗi một mình ông Thành đứng ngoài cuộc. Cuối cùng cũng chẳng ai mời được cô gái đi chơi, dù chỉ một lần. Tất cả đã đầu hàng. Trước thất bại của đám bạn bè, trước những lời khích tướng của họ, tính hiếu thắng của người đàn ông trỗi đậy. Ông Thành tặc lưỡi: “thôi thì mình cứ vào cuộc, cứ thử tài một chút xem sao, có mất gì đâu mà ngại. Thế là ông “xông trận”.
Thật Không ngờ, sau một thời gian thử tài, ông đã trở thành “Người chiến thắng”. Người đẹp đã yêu ông say đắm, yêu cái tính điềm đạm, ít nói của ông, yêu trí tuệ thông minh của ông, yêu tất cả những gì ông có. Thế là, thử mà thành thật. Lúc này, rơm đã bén lửa, ông Thành không có đủ nghi lực để dứt tình với cô. Trước tình yêu mãnh liệt của cô gái. Ông đã nói thật tất cả về vợ, về con của mình. Còn cô gái, dù biết ông đã có vợ, có con rồi, vẫn quyết tâm làm lẽ. Cô sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện để được sống với ông.Thế là một bữa tiệc cưới thầm lặng đã diễn ra ở một vùng quê, nơi cô gái sinh sống. Sở dĩ chuyện không lộ vì những người bạn biết chuyện của ông đã thề “sống để bụng, chết mang theo” chứ không được lộ ra, làm tan nát cái gia đình thứ nhất của ông, một gia đình được hàng xóm, bạn bè cho là kiểu mẫu. Họ biết rằng chính sự khích tướng của họ đã dẫn đến cuộc hôn nhân vụng trộm này. Hơn nữa, vì cái nghề của ông buộc ông phải nay đây, mai đó, theo tiếng gọi của các công trình, nên việc ông thường xuyên vắng nhà không gây cho ai mảy may nghi ngờ gì cả.
Ông Thành cũng phải thú thật với con trưởng của ông rằng, ông chỉ thực sự thấy mình được yêu thương, được tôn trọng khi ở bên người vợ lẽ. Ông có cả một thư viện lớn ở chỗ cô. Cô ta luôn tạo điều kiên tốt nhất để cho ông hoàn thành mọi công việc. Chỉ có một tuần duy nhất ông phải làm viêc nhà. Đó là tuần đầu khi cô vừa sinh đứa thứ hai. Và đó chính là cái lần mà con trai ông đã mục sở thị. Cô vợ lẽ của ông không hề muốn dấu kín mối quan hệ bất chính này. Cô ta đã nhiều lần xin ông cho phép về tạ tội với chị cả, nhưng ông không dám... Ông tự thấy mình không có đủ dũng cảm để đối mặt với sự thật. Bây giờ ông chỉ mong con trai tha thứ. Đằng nào thì chuyện cũng đã rồi, hãy thông cảm cho ông và giữ kín mọi chuyện giúp ông.
Nghe cha thổ lộ, người con rất giận cha và thương cho mẹ. Nhưng nghĩ đi, cũng phải nghĩ lại, anh thấy có phần nào đó thông cảm với cha, anh biết, cha anh không phải là loại người bạc tình, thích trăng hoa. Cha là một người giỏi giang và lúc nào cũng muốn được làm việc. Trong chuyện này, tội lỗi của cha đối với mẹ con anh thì quá lớn rồi. Nhưng anh thầm trách đám bạn bè của ông đã vô tư quá đà, đẩy cha anh vào tội lỗi. Trách mẹ sống không tâm lý, không bao giờ quan tâm đến ý thích của cha. Anh biết, cha rất thích chơi cây cảnh. Chỉ tiếc là mỗi lần cha mua được một chậu cảnh vừa ý thì mẹ càu nhàu kêu tốn kém suốt cả tuần. Cha thích có một cái giá sách to, nhưng mẹ cứ không chịu mua vì mẹ sợ chật nhà... Giá như mẹ anh dịu dàng hơn, đỡ chặt chẽ, đỡ khắt khe hơn trong mọi vấn đề và tỏ ra chiều chồng hơn thì có thể giúp cha rút chân ra khỏi tội lỗi khi còn chưa muộn… Nhưng đó chỉ là giá như vậy thôi…
Bây giờ gia đình anh sẽ xử sự thế nào với hai con riêng của cha đây? Anh biết với tính cách của mẹ anh, thì hoà khí giữa hai người phụ nữ mất chồng là không thể có được. vì vậy hai đứa trẻ cũng sẽ chịu thiệt thòi theo. Có lẽ chỉ có anh, với vai trò là người con trưởng phải đứng ra lo chuyện này. Trong thâm tâm, qua những nhận xét của cha về người vợ lẽ của mình, anh đã tin tưởng hai đứa trẻ kia là em của anh, nhưng anh không thể thuyết phục gia đình và họ hàng bằng cách nói ra sự thật mà anh đã biết từ rất lâu rồi. Phải có một bằng chứng thật khách quan, thật khoa học thì danh phận của hai đứa trẻ mới được công nhận.
Sau một thời gian tìm hiểu, anh biết rằng chỉ có xét nghiêm ADN thì mới xác định được chính xác quan hệ cha con. Anh đã đến tiền trạm tại trung tâm phân tích ADN trước khi mang hai đứa trẻ về làm việc này. Được biết, chỉ cần anh với hai đứa trẻ kia đến đấy để họ lấy mẫu xét nghiệm thì sau một thời gian sẽ có kết luận chính xác hai đứa trẻ có phải là con đẻ của người cha đã mất hay không. Anh thấy nhẹ nhàng quá, đơn giản quá, chẳng phải phiền hà đến ai. Thế mà cứ nghĩ loanh quanh mãi.