Tôi vừa bước vào nhà, đứa con bé bỏng của tôi đã reo lên và khoe:
- Bố ơi! Hôm nay mẹ trúng quả bố ạ, mẹ vui lắm.
- Trúng quả gì vậy con?
Con chẳng biết nữa, con định hỏi bố đấy. Con đang chơi xếp hình thì nghe tiếng reo hò ở buồng ti vi, con nhìn ra thấy chú Cường đang nắm chặt tay mẹ và lắc lắc. Con nghe chú ấy nói: “Chúc mừng người đẹp trúng quả nhé!”. Con thấy mẹ rất vui, cười rất to.
Tôi đã hiểu vấn đề. Tôi ôm thằng bé và vờ như không có chuyện gì:
- À, chắc là mẹ trúng xổ số đấy con ạ.
- Thế bố mua vé xổ số cho con để con cũng được “trúng quả” như mẹ nhé. Chắc trúng xổ số sẽ có nhiều tiền lắm phải không bố. Con mà “trúng quả” thì con sẽ tha hồ mà mua đồ chơi.
- Con thích gì bảo bố mua cho, chứ đợi trúng xổ số thì khó lắm con ạ. Thế mẹ con đâu rồi?
Nghe giọng tôi, mẹ tôi từ trong bếp đi ra nói:
- Mẹ nó bảo đi có tí việc rồi sẽ về ngay.
Tôi hôn thằng bé, đặt nó xuống. Tâm trạng tôi hết sức lo buồn. Tôi biết vợ mình rất say mê lô đề. Tôi đã khuyên nhủ nhiều nhưng cô ta vẫn chứng nào tật nấy. Nói nhiều sinh cãi nhau, tôi đành phải làm ngơ. Nhưng đến hôm nay thì tôi hết chịu nổi rồi. Cái từ “trúng quả”của dân lô đề đã hằn sâu vào cái đầu non trẻ và ngây thơ của con trai tôi, một thằng bé mà ai gặp nó cũng phải yêu quý bởi nó sáng sủa và rất thông minh. Tôi có thể làm ngơ để vợ tôi tuỳ thích muốn làm gì thì làm nhưng làm hỏng con tôi thì không được. Tôi phải bảo vệ nó khỏi nguy cơ lây nhiễm máu mê cờ bạc của mẹ nó ngay từ lúc này.
Tối hôm đó, tôi đã cố nén giận lựa lời phân tích và cảnh báo cho vợ về những lo lắng của tôi. Tôi đề nghị vợ đừng chơi lô đề nữa mà có chơi thì đừng để cho con nhìn thấy. Vợ tôi chỉ im lặng.
- Anh đã nói hết ý rồi. Nếu em thật sự không nghe anh thì xin em hãy chuyển tụ điểm lô đề của em đến nhà người nào đó không có trẻ con. Đừng để ảnh hưởng đến bọn trẻ. Hãy nghĩ đến tương lai của chúng.
Tôi cũng đỡ lo hơn vì kể từ hôm đó, cánh bạn bè đề đóm của cô ấy không tụ tâp ở nhà tôi nữa. Tôi vẫn ngày ngày vắng nhà từ sáng đến tối. Những chuyện xảy ra trong nhà thường được mẹ tôi kể lại vào buổi tối. Mẹ tôi mới từ quê ra sau khi vợ tôi sinh con. Tiếng là mẹ chồng nhưng bà hiền lành và rất sợ nàng dâu. Chị tính, con gái thành phố bây giờ có mấy ai sợ mẹ chồng ở quê lên đâu. Mẹ tôi cứ như một oshin trung thành và cần mẫn của cô ấy. Cô ấy đi đâu cũng chỉ bảo với bà một câu: “Con đi có việc”, thế là xong. Lúc nào về và đi làm gì, bà không biết và cũng không dám hỏi.
Cách đây mấy hôm, lúc đi làm về, thấy vợ tôi nằm dài trên giường, nghĩ là vợ ốm, tôi lại sờ trán cô ấy thấy mát, tôi yên tâm hỏi:
- Em sao vậy? Có chuyện gì mà có vẻ chán nản thế?
Cô ấy nói:
- Em đau bụng và mệt.
Con tôi từ ngoài chạy vào nói xen:
- Không phải mẹ đau bụng đâu bố ạ. Chú Cường vừa đèo mẹ về đấy, mẹ buồn đấy, con thấy mẹ nói với chú ấy là: “Dạo này em bị quang tèo gõ cửa nhiều quá, sạt nghiệp mất”. Mà Quang tèo là ai vậy hở bố? Con có thấy ai tên là Quang tèo đến gõ cửa nhà ta đâu. Con chỉ thấy chú Cường là hay đến nhất.
Vợ tôi nghe thằng bé nói vậy, trợn mắt quát:
- Cái thằng này chỉ được cái nghe lỏm rồi nói vớ vẩn. Ra ngoài đi.
Tôi kéo thằng bé ra ngoài và nói:
- Mẹ đang mệt, con ra ngoài cho mẹ nghỉ.
Tôi đóng cửa buồng, quay vào giường. Tôi bực quá nghiến răng mà không dám nói to:
- Em vẫn đánh đề liên tục sao? Cứ thua liên tục như vậy thì đến bán nhà đi mà chơi chắc. Liệu em có định đẩy cả nhà ra đê ở không đây. Không nghĩ cho ai cả thì cũng phải nghĩ đến con chứ. Em xem còn từ nào của cánh lô đề mà nó chưa biết nữa không? Em có biết là hôm nọ nó đến cơ quan anh chơi nhìn thấy quyển sổ có nhiều con số, nó đã nói gì không? Nó bảo là: “Cơ quan bố cũng có sổ lô đề à? Giống sổ lô đề của mẹ quá”. Thật là xấu hổ.
Vợ tôi kéo dài giọng:
- Sĩ diện hão, làm gì mà phải xấu hổ? cán bộ nhà nước cũng ối người chơi lô đề đấy, xem có ai xấu hổ không.
- Thôi, cô hãy im đi. Chỉ có những kẻ không muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì mới lao vào cờ bạc như cô.
- Anh đã nói thế thì tôi lại càng chơi, chơi để gỡ lại.
- Gỡ lại hay là làm hại chồng hại con?
- Tôi đã làm gì hại anh mà anh quát với tôi. Suốt ngày anh đi vắng, cứ về đến nhà là to tiếng với vợ, thật khó chịu.
- Ai làm ai khó chịu. Tôi chỉ biết đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà, còn cô thì nướng hết tiền vào lô đề, hỏi làm sao tôi không bực cơ chứ. Nếu cô vẫn cứ chứng nào tật nấy thì chúng ta đành phải chia tay nhau thôi.
Vợ tôi kêu lên:
- Chia tay thì chia tay, tôi thiếu gì bạn bè mà phải bám lấy anh.
Tôi điên quá quát:
- Thế thì cô đi đi, đi mau với mấy thằng bạn của cô đi.
Vợ tôi đứng phắt dậy:
- Anh thách ư? Tôi đi cho anh biiết tay.
Vừa nói, cô ta vừa với cái va ly, vơ quần áo cho vào rồi quay ra cửa gọi con:
- Thằng Tuấn đâu, đi với mẹ. Bố mày đuổi hai mẹ con mình đi rồi.
Tôi quát:
- Cô đi đâu thì đi, cấm không được mang theo thằng bé.
Cô ta vừa khóc vừa la:
- Nó là con tôi, chỉ là của riêng tôi thôi, nó không phải là con anh, anh không có quyền giữ nó.
Tôi choáng váng khi nghe câu nói đó phát ra từ miệng cô ấy. Không kiềm chế được, tôi giang tay tát mạnh vào mặt vợ. Mẹ tôi đang ở dưới bếp,vội chạy ra, kéo thằng Tuấn ôm chặt nó vào lòng như sợ mất nó. Còn tôi điên tiết xách cái va li và kéo tay đẩy cô ta ra, đóng sập cửa lại.
Từ khi lấy nhau đến giờ chưa bao giờ tôi lại đối xử thô lỗ với vợ mình như thế, bởi cũng chưa bao giờ cãi nhau căng đến thế. Trước đây thỉnh thoảng vợ chồng giận nhau, cô ấy thường hay sang nhà bà chị họ và cũng thường chỉ đi được nửa ngày lại về. Còn lần này, sau một ngày đêm cô ấy mới về. Tôi biết cô ấy chẳng thể đi lâu hơn được vì nhớ con. Được cái cô ta rất yêu con. Mấy hôm nay chúng tôi vẫn chưa làm lành với nhau. Tôi vẫn đang rất ấm ức vì câu “nó không phải con anh”. Chưa tìm ra sự thật này tôi chưa thể hoà bình với cô ấy được. Trong thâm tâm tôi chỉ mong sao đó là câu nói bừa để chọc tức tôi, nhưng hình ảnh “chú Cường”mà thằng con nhắc đến trong nhiều câu chuyện ở nhiều hoàn cảnh khác nhau gợn lên trong tôi mối nghi hoặc về quan hệ bất chính giữa vợ tôi với hắn. Mới hôm qua đây, thằng con của tôi đón tôi bằng câu nói ngây thơ:
- Bố ơi! Bố mẹ mà cứ giận nhau là con đến ở với chú Cường đấy, chú ấy yêu con lắm. Chú ấy vừa mua cho con cái ô tô to đùng kia kìa.
Tôi lặng im nhìn theo tay chỉ của thằng bé. Mối nghi hoặc của tôi như lại nhân lên. Và đó chính là lí do làm tôi phải đưa thằng bé đi xét nghiệm ADN ngay hôm nay. Tôi cần biết đứa trẻ mà tôi hết mực yêu thương này có đích thực là con đẻ của tôi không? Xét nghiệm cũng là việc làm bất đắc dĩ thôi chị ạ. Cứ thực thực, hư hư như thế này thì hao tâm lắm. Tôi sẽ rất đau buồn nếu nó không phải là con tôi nhưng tôi mong trung tâm làm thật khách quan, thật chính xác. Và tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng để đón nhận một kết quả không mong muốn.
Tôi tò mò hỏi anh:
- Anh sẽ vẫn yêu thằng bé kể cả khi nó không phải là con của anh chứ?
- Nó đâu có tội gì mà hắt hủi nó hả chị. Nhưng nếu nó không phải con tôi, tôi sẽ không quyết liệt tranh cãi với vợ nữa vì tôi quá mệt mỏi rồi và đương nhiên tôi cũng chẳng thể dồn toàn tâm toàn ý cho tương lai của thằng bé được một khi mà chính mẹ nó chẳng có nghị lực dứt bỏ những thói xấu của cô ta, làm ảnh hưởng đến tương lai của thằng bé.