Chưa bao giờ Trung tâm chúng tôi tiếp nhận một ca xét nghiệm mà số người đi theo đông đến như vậy. Căn phòng rộng ba mươi mét vuông của trung tâm trở nên quá nhỏ bé so với số người đã đến đây. Già có, trẻ có, trai có, gái có, tất cả trên chục người.

     Đương sự được “dẫn giải đến” để xét nghiêm ADN là một đôi thanh niên còn rất trẻ cùng một bé gái mới chào đời. Nhìn tác phong và cách ăn mặc của họ, tôi đoán họ không phải là người Hà Nội. Nhưng tôi không thể hiểu được tại sao họ lại đi đông như vậy, và họ thuộc "mấy phe". Ai thuộc phe mong muốn cho người thanh niên kia được là cha của đứa trẻ và ai thuộc phe có ý muốn ngược lại?

     Một người đàn ông đứng tuổi, chắc là anh của đương sự ký đơn xin xét nghiệm. Như thường lệ, tôi nhắc khách hàng:

     - Chúng tôi chỉ trả kết quả cho anh thôi đấy nhé, vì theo qui định, chúng tôi chỉ trả kết quả cho người ký đơn thôi!

     Mọi người nhao nhao phản đối. Một thanh niên trẻ hơn một chút, đứng cạnh đó vội nói xen vào:

     -    Không được, để tôi đến nhận kết quả. Tôi ký đơn cho.

     Nói xong, anh quay về phía hai đương sự nói như ra lệnh:

     -    Còn hai người, hãy ngồi vào bàn nhanh lên để cho người ta lấy mẫu.

     Người kia miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của thanh niên này. Anh đứng dậy, nhường chỗ cho cậu để cậu ngồi vào bàn ký tên vào tờ đơn. Mọi người cũng có vẻ nhất trí uỷ quyền cho cậu trẻ này nhận kết quả. Thấy thái độ của mọi người như vây, tôi thầm nghĩ “Chắc chàng trai này là chồng của người mẹ trẻ kia nên mới được mọi người nể nang đến thế”. Nhưng cũng lạ, tại sao anh ta không cho mẫu để xét nghiệm mà chỉ lấy mẫu của hai mẹ con và người thanh niên nghi vấn kia?

     Xong xuôi mọi thủ tục, cả đoàn người lục đục kéo nhau ra về.

     Ngày có kết quả, đúng hẹn, chàng trai được uỷ quyền đến nhận. Cầm tờ kết luận “Không phải là con” anh ta gật gật đầu:

     -  Kết quả này là được rồi!

    Tôi tò mò hỏi :

    -   Thế cháu không phải là chồng của cô gái à?

    Anh ta trả lời:

    -   Không ạ, con bé này đã mê hoặc thằng em cháu, bây giờ lại ấn vào tay nó một đứa trẻ không phải là con của nó. Bọn cháu phải làm cho ra nhẽ. Cháu nghĩ kết quả này là rất chính xác đấy cô ạ. Thôi cháu phải về báo cho cả nhà biết đây.

     Anh ta cảm ơn chúng tôi và nhanh nhẹn ra về.

     Mấy ngày sau, người thanh niên là đương sự của ca xét nghiệm đến. Nét mặt anh ta rất buồn khổ:

     - Cháu xin được xem kết quả xét nghiệm - Anh ta nói - Chắc cô còn nhớ cháu chứ?

     - Tôi nhớ! Hôm ấy rất đông người cùng đi theo anh, đúng không?

     - Vâng ! Đúng ạ.

     - Rất tiếc, hôm đó anh không ký tên vào đơn nên không được nhận kết quả. Người ký đơn đã đến nhận kết quả rồi. Thế họ có quan hệ gì với anh vậy?

     - Là anh của cháu đấy.

     - Thế còn những người kia? Sao họ đến đông thế?

     - Cũng toàn là anh chị em, cô, chú, bác trong họ nhà cháu.

     - Thế anh chưa biết kết quả sao?

     - Cháu biết rồi. Các anh ấy cho cháu bản phô tô rồi. Nhưng cháu muốn xem bản chính cơ. Tờ phô tô kết luận đứa bé không phải con của cháu có đúng không cô? Cháu sợ các anh cháu chữa lại kết quả rồi mới phô tô cho cháu.

     Tôi khẳng định với anh:

    - Các anh cháu phô tô đúng đấy!

     Tôi nói vậy mà Anh ta vẫn cứ nằn nì để xin bản gốc. Nằn nì mãi không được, anh ta cứ ngồi đấy, buồn thiu, không chịu về, thấy vậy Tôi hỏi anh:

     - Sao hôm ấy cả nhà kéo nhau đến đông vậy?

     Anh ta rầu rĩ:

     - Khổ thế đấy cô ạ. Chúng cháu yêu nhau, đã có con với nhau, và bây giờ chúng cháu muốn cưới nhau. Nhưng cả họ phản đối. Không ai tin đấy là con của cháu, nên đã áp tải chúng cháu ra đây bắt xét nghiệm ADN. Họ bảo, nếu con bé là con cháu, mọi người mới cho cưới. Cháu cứ tin và mong đấy là con của cháu. Mà nếu không phải con cháu, cháu vẫn muốn lấy cô ấy.

     Tôi hỏi:

     - Như vậy là cháu rất yêu cô ấy, bất chấp là cô ấy có con với người khác.

     Anh ta không lưỡng lự trả lời:

     - Vâng, dù thế nào cháu vẫn yêu cô ấy, vẫn muốn cưới cô ấy.

     Tôi rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của anh. Tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp như trường hợp của anh. Tôi chỉ biết khuyên anh:

     - Hạnh phúc của cháu là do cháu quyết định, chẳng ai có quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, nếu cháu thuyết phục được mọi người ủng hộ cuộc hôn nhân của cháu thì vẫn tốt hơn nhiều. Đối đầu với cả họ thì thật là không hay chút nào. Xem cách họ kéo nhau ra đây hôm đưa cháu đi xét nghiệm, cũng đủ thấy họ khó lòng chấp nhận cô dâu này. Cô thấy họ căng thẳng và quyết liệt lắm… Thế cháu đã cho cô bạn gái xem bản kết quả này chưa?

     - Dạ, cô ta biết kết quả này rồi ạ.

     - Thế cô ấy có phản ứng gì không?

     - Cô ta chẳng nói gì, chỉ buồn thôi. Cháu thương cô ấy lắm.

     - Thôi cháu ạ, cháu nên về bàn bạc cách giải quyết đi. Ngồi mãi ở đây chỉ mất thời gian thôi. Cô chẳng giúp gì cho cháu được.

     Ngồi thừ một lúc anh ta buồn bã ra về.

     Ngày hôm sau, người anh mà đã từng đến đây nhận kết quả lại đến. Anh này xin thêm một tờ kết quả nữa.

     Tôi hỏi:

     - Làm gì mà phải ra tận đây cho khổ, cứ phô tô ra vài bản có hơn không?

     Anh ta trả lời:

     - Tờ gốc em cháu nó xé rồi, cháu xin cô tờ này về ép plastic để giữ lại. Mà nếu nó có xé, có đốt nữa, thì cháu lại ra xin bản khác có được không cô?

     - Đương nhiên là được rồi. Nhưng cô thắc mắc là, tại sao cứ phải cất giữ cái bản kết quả này như một bảo bối vậy. Sao không tập trung vào giải quyết vấn đề. Hai đứa nó yêu nhau như thế mà gia đình không rộng lòng tha thứ cho chúng nó sao? Rồi chúng sẽ tự chịu trách nhiệm với tương lai hạnh phúc của mình. Việc gì mà cả nhà, cả họ hàng cứ làm căng đến như vậy.

      Anh thanh niên nói giọng kiên quyết:

     - Không được! Nhất định không được! Đây là vấn đề danh dự của cả gia đình cháu.

    -To chuyện thế sao? – Tôi tò mò hỏi. - Nếu cô không nhầm, thì trong số họ hàng nhà cháu vẫn có người ủng hộ cuộc hôn nhân này, đúng không?

     - Đúng đấy cô ạ. Đấy là ông anh cả của chúng cháu. Anh ấy xa nhà lâu ngày nên bị "thành thị hoá mất rồi” vì vậy ông ấy “thoáng” lắm, đâu còn hiểu sâu sắc những chuyện làng quê như chúng cháu.

     - À ra thế! Thảo nào mà hôm ra đây, anh đã dành quyền đứng đơn của người anh cả .

     Anh thanh niên lại thao thao:

    - Chuyện của chúng nó đã ầm ĩ khắp làng rồi cô ạ. Thằng em cháu nó bị bỏ bùa nên nó mới mù quáng như vậy. Người cha đích thực của đứa bé là một thanh niên trong làng mà ai cũng biết, chỉ có một mình thằng em cháu là không biết, hay nói đúng hơn là nó không muốn biết. Gia đình người thanh niên là bố của đứa bé kia đã cự tuyệt làm đám cưới cho chúng. Bây giờ cả làng đang chăm chăm trông ngóng xem gia đình cháu có đứng ra hứng lấy cái của mà người khác đã thải ra không. Không, không bao giờ chúng cháu chịu như vậy.

     Tôi thông cảm với những bức xúc của anh:

     - Chà, thế thì căng thật. Nhưng gia đình phải có cách gì giúp cho em trai anh thoát khỏi hoàn cảnh này chứ!

     Anh thanh niên khẳng định:

     - Không thể để chúng lấy nhau được cô ạ. Thà như cái người cha thực của đứa trẻ kia ở xa xôi đâu đó, mà cả làng này không ai biết, thì chúng cháu cũng sẵn sàng cưu mang hai mẹ con cô kia. Nhưng đằng này, nó lại ở ngay cạnh mình, nó cứ nhơn nhơn như cười nhạo báng cả họ nhà mình. Như thế thì chịu làm sao được. Không… không thể được…Ở làng quê là vậy đó. Mọi chuyện sẽ rùm beng lên từ đầu xóm đến cuối thôn…. Nhưng cô cứ yên tâm, thế nào cháu cũng tìm ra cách giải quyết mà…

     Anh thanh niên chào tôi ra về. Nhìn theo dáng tất bật của anh xa dần, tôi thực sự chưa hiểu anh và họ hàng của anh sẽ giải quyết việc này như thế nào…?