Tôi rất thắc mắc khi thấy hai vợ chồng trẻ đến xét nghiệm ADN cùng với một cháu gái, vì người chồng không hề có ý định cho mẫu. Anh cho biết:
- Cháu không liên quan gì đến việc xét nghiệm này. Cháu chỉ muốn làm xét nghiệm để cho vợ cháu được yên tâm, thoải mái. Người cần xét nghiệm là vợ cháu và đứa bé này.
Tôi hỏi:
- Như thế là anh định xét nghiệm quan hệ mẹ - con phải không?
- Vâng ạ.
- Thế đứa bé là con riêng của vợ anh à?
- Không ạ, cháu chắc chắn đó không phải là con riêng của cô ấy, nhưng cả nhà cháu lại không tin. Nên chúng cháu phải đi xét nghiệm để có bằng chứng.
Thấy tôi ngớ ra, chưa hiểu gì, người thanh niên lại nói tiếp:
- Hạnh, vợ cháu là một cô gái tuyệt vời cô ạ! Hạnh đã rơi vào một hoàn cảnh khá đặc biệt. Cháu xin kể cho cô nghe:
Tuổi 20 là cái tuổi đẹp đẽ nhất, mộng mơ nhất của đời người con gái. Nhưng Hạnh đâu được hưởng điều đó. Hạnh buộc phải đứng trước một quyết định quan trọng: Cô chỉ được chọn một trong hai người mà cô nhất mực yêu quý. Chọn người yêu đầu tiên của cô, người thanh niên đã đem đến cho cô tình yêu ban đầu ngọt ngào, hạnh phúc hay chọn người kia, một bé gái bị bỏ rơi vô tội và đáng thương? Hạnh không muốn mất ai! Người yêu của cô cùng với gia đình anh ta quyết không chấp nhận đứa trẻ vô tội kia. Suy nghĩ nhiều ngày, nhiều đêm. Cuối cùng trái tim nhân hậu của cô đã giúp cô dũng cảm hy sinh tình yêu của mình để yên tâm trông nom, chăm sóc đứa trẻ đã bị cha mẹ nó bỏ rơi từ khi mới chào đời.
Mẹ đứa trẻ tên là Thu. Hạnh và Thu là đôi bạn thân cùng học, cùng ở trọ suốt thời gian dài. Rồi mỗi người có một mối tình riêng. Nhưng chưa kết thúc năm học thì Thu đã mang bầu. Quân – người yêu của Thu – là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân. Do tư tưởng trọng nam khinh nữ của họ quá nặng nề, nên khi Thu sinh con gái, cả Quân và gia đình anh ta đã không đoái hoài gì đến đứa trẻ.
Thu nghỉ học, ngồi ôm con trong tâm trạng chán chường. Đã nhiều lần, Thu có ý định cho quách đứa con đi vì cảm thấy chặng đường trước mặt có quá nhiều khó khăn khi phải một mình chống chọi với cuộc sống để nuôi con. Hạnh đã tìm lời lẽ khuyên can. Mong Thu đừng nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mà mình đã dứt ruột sinh ra nó… Những lần như vậy, Thu chỉ im lặng, chẳng nói gì.
Một hôm, từ lớp học trở về nhà, Hạnh vô cùng sửng sốt khi thấy Thu đã biến mất tăm và để lại một bức thu ngắn ngủi nhờ Hạnh hãy đưa đứa con gái tội nghiệp này vào trại trẻ mồ côi. Nhìn đứa trẻ mới có vài tháng tuổi, còn đỏ hỏn đang quấy khóc vì thèm khát sữa mẹ, Hạnh vô cùng thương xót, vô cùng bối rối, và giận thay cho người mẹ nhẫn tâm kia.
Hạnh còn quá trẻ để làm mẹ, lại đang đi học, hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Nhưng vì quá thương đứa trẻ, Hạnh không nỡ đưa nó đến trại trẻ mồ côi. Hạnh quyết định tự mình nuôi nấng và chăm sóc nó. Việc làm của Hạnh đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Đặc biệt là sự phản đối của người yêu. Anh ta ra tối hậu thư: “Có tôi thì không có nó”. Và lựa chọn cuối cùng của cô gái trẻ là chia tay với người yêu chứ không bỏ rơi đứa bé…
Một ngày nuôi con bé là một ngày tình yêu thương của Hạnh dành cho nó được nhân lên. Hạnh chắt chiu từng đồng để mua sữa cho con. Những nhu cầu tối thiểu của một người con gái đang tuổi yêu đương như cô đều phải gạt sang một bên. Nhiều lúc túng bấn quá, Hạnh đã nhịn đói mà vẫn không đủ tiền mua sữa cho bé. Bạn bè cùng lớp, rồi cả các thầy cô giáo cũng rất thương cảm. Họ đã quyên góp nuôi dưỡng bé gái cùng Hạnh. Những lúc con bé ốm đau, bỏ ăn, Hạnh lo lắng vô cùng, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nhưng cô không hề kêu ca, phàn nàn. Cô chỉ mong sao cho con hay ăn chóng lớn. Ngoài giờ lên lớp, Hạnh dành toàn bộ thời gian cho bé. Cô không còn lúc nào chăm sóc cho bản thân nữa.
Hạnh cảm nhận sâu sắc rằng, cô mới chính là người mẹ đích thực của đứa bé. Và nếu như phải xa bé thì chẳng khác nào dứt bỏ đi khúc ruột của mình, đau đớn lắm, tội nghiệp cho nó lắm. Nó đã một lần bị bỏ rơi rồi, không thể để nó bị bỏ rơi lần nữa.
Mối tình đầu của Hạnh đã ra đi vì sự xuất hiện của đứa bé và cũng vì có đứa bé mà các chàng trai sau đó tìm đến với Hạnh cũng chẳng mấy ai dũng cảm đối mặt với thực tế để tiến đến hôn nhân với Hạnh vì cô đã có một đứa con.
Chỉ có Trung, người chồng hiện nay của Hạnh là thông cảm và trân trọng tấm lòng nhân hậu của Hạnh. Tuy vậy, các thành viên trong gia đình Trung không phải ai cũng thông cảm và thấu hiểu được hoàn cảnh của Hạnh. Thậm chí có rất nhiều thắc mắc đặt ra, làm tổn thương người con gái lương thiện và nhân ái như Hạnh. Hạnh luôn buồn vì những câu hỏi: “Chắc gì đã là con nuôi của cô ấy, biết đâu đứa bé chính là con riêng của Hạnh với một người đàn ông nào đó, rồi bây giờ cứ ngụy trang dưới hình thức con nuôi để chứng tỏ mình còn trong trắng lắm…”.
Tuy được chồng tin yêu và thông cảm nhưng Hạnh vẫn rất buồn vì mọi người không tin mình, và vì vậy, tình yêu của mọi người dành cho con bé cũng chẳng mặn mà gì. Càng tội nghiệp cho con bé.
Hiểu được tâm tư của Hạnh, Trung tìm cách để chứng minh cho mọi người biết rằng đứa bé chính xác là con nuôi của vợ mình. Trung cùng vợ quyết định đưa con nuôi và những người thân trong gia đình anh đến Trung tâm Phân tích ADN để làm sáng tỏ mọi điều. Anh biết mình không thể dễ dàng truyền niềm tin của anh với vợ cho mọi người chỉ bằng lời nói. Bởi vậy anh cần có một bằng chứng khoa học là kết quả xét nghiệm ADN, để lấy lại phẩm giá cho vợ anh.
Kết quả xét nghiệm đã khẳng định rõ ràng: Hạnh không phải là mẹ đẻ của đứa bé. Cả Hạnh và Trung đều không trực tiếp đến Trung tâm Phân tích ADN để nhận kết quả xét nghiệm về cho gia đình lớn của Trung mà thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện.
Thật may mắn cho bé gái đã được cưu mang bởi một người con gái nhân hậu như Hạnh. Tấm gương của Hạnh đáng để cho các bạn trẻ và tấc cả chúng ta noi theo. Nếu không có những con người như Hạnh thì không biết số phận của bé gái kia sẽ ra sao? Tôi thực sự cũng không hiểu được cuộc sống của Hạnh sẽ thế nào, nếu không có sự can thiệp kịp thời của xét nghiệm ADN. Khi mọi người đều có lòng nhân ái, sống không chỉ vì mình mà còn vì mọi người thì hoàn toàn không cần đến ADN. Tấc cả chúng ta đều có thể có một cuộc sống hạnh phúc.