Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên rất thư sinh. Anh có một giọng nói rành rọt và dứt khoát. Tôi và anh đang khẩu chiến với nhau.

-      Ai là người nhổ tóc của đứa trẻ? – Tôi hỏi người khách

-      Chính tay cháu – Anh ta trả lời

-       Vậy từ lúc nhổ đến khi đưa đến đây xét nghiệm cháu có chuyển mẫu này qua một người nào khác không?

-       Không qua một ai. Vì việc này hết sức bí mật và cần hết sức chính xác đối với cháu. Vì vậy, cháu chẳng dại gì mà đưa qua tay người khác!

Tôi đặt tờ đơn xin xét nghiệm trước mặt anh và nói:

-        Cháu nhìn vào mục giới tính xem, cháu khai con cháu là con trai, có đúng không?

-       Đúng thế

-       Nhưng sao xét nghiệm ra nó lại là gái? Mục này trong đơn ghi rõ là nếu khai sai, sẽ bị phạt, cháu có đọc kỹ không?

Anh ta trợn mắt, nhíu mày:

-       Cháu đọc kỹ rồi mới điền đơn mà. Sao lại vô lý thế! Chắc chắn là cô để nhầm mẫu của con cháu với đứa con gái nào rồi!

-       Cô đã xem xét tất cả các khâu và kết luận: không có sự nhầm lẫn nào cả. Mà cháu xem đi, kết quả xét nghiệm cho thấy, nó là con của cháu, vậy thì làm sao cô có thể kiếm được một bé gái có cùng huyết thống với cháu để mà nhầm cơ chứ? Giá như, nó không phải con của cháu mà cháu bảo cô nhầm mẫu thì còn có lý, đúng không nào?

-        Nhưng sao lại thế được? Cháu là bố nó, cháu lại không biết nó là trai hay gái sao? Cháu mong mãi đến ngày lấy kết quả, vậy mà…, cô phải chịu trách nhiệm về chuyện nhầm lẫn này.

-        Nhưng cô khẳng định là cô không nhầm thì cháu tính sao?

-        Vô lý, chỉ có thể là cô nhầm… không thể khác được.

Cuộc đôi co giữa chúng tôi kéo dài và căng thẳng. Nhưng cũng chính vì sự quyết liệt của người cha trẻ này mà tôi phải chuyển hướng suy nghĩ và nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết, tôi nói:

-        Cô sẽ làm lại cho cháu một lần nữa, với điều kiện, cháu phải mang đứa trẻ đến đây để cô trực tiếp lấy mẫu. Nếu sai lầm về phía cháu, thì cháu mới phải nộp lệ phí cho lần xét nghiệm lại này. Điều cô lo bây giờ không phải là chuyện nhầm mẫu hay không nhầm mẫu nữa, mà là cô sợ đứa trẻ có vấn đề về sức khoẻ.

Anh thanh niên giật mình:

-         Trời! Cô nói thế có nghĩa là con cháu chỉ có vẻ ngoài là con trai sao?

Tôi nói:

-         Cháu cứ bình tĩnh. Hãy đưa ngay thằng bé đến đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chúng ta lại nói chuyện tiếp.

Người thanh niên trầm ngâm một lúc, rồi khe khẽ gật đầu.

Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, một bé trai đã được anh ta đưa đến. Đúng là một bé trai thật sự. Trông nó cũng đẹp trai như bố nó, nhưng nó rất nghịch và rất khó bảo. Nó quậy phá lung tung. Tôi phải lệnh cho một nhân viên luôn luôn bám sát nó, trông chừng để nó không làm hỏng các thứ trong phòng tiếp khách của tôi. Không ai có thể khuyên bảo được nó điều gì. Chính bố nó cũng không thể làm được việc đó. Quan sát đứa trẻ, tôi thầm nghĩ: “ Hành vi của đứa trẻ thật sự không bình thường”

Chúng tôi tiến hành mọi thủ tục và nhanh chóng lấy mẫu của cháu. Tuy gọi là lấy máu, nhưng chỉ như kiến đốt ở đầu ngón tay, vì dụng cụ để lấy máu là cái bút chuyên dùng cho bệnh nhân thử tiểu đường. Lượng máu chỉ là một chấm nhỏ bằng hạt đỗ xanh trên phiến mẫu đặc biệt của chúng tôi. Thế mà thằng bé nhất định không chịu ngồi yên. Nó quẫy, nó đạp, nó chửi bậy lung tung. Khó khăn lắm, chúng tôi mới xong được cái việc cỏn con này.

Mẫu của đứa bé được chúng tôi đem phân tích ngay. Vì tôi cũng rất sốt ruột, muốn có nhanh kết quả.

Chỉ 4 tiếng sau, kết quả xét nghiệm đã có. Kết quả này trùng khớp hoàn toàn với kết quả được phân tích từ mẫu móng tay mà bố của bé đã đưa đến lần trước. Máy móc vẫn cho thấy, giới tính của bé là nữ. Chúng tôi tiến hành ngay xét nghiệm bệnh cho bé, dù chưa có sự đồng ý của bố nó . Kết quả xét nghiệm bệnh của bé cho thấy, bé có nhiễm sắc thể giới tính không bình thường. Bé mắc bệnh Klinefelter. Bình thường, người con trai mang nhiễm sắc thể XY. Bé bị bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính vì ở bé thừa một X, tức là bé trai này mang nhiễm sắc thể giới tính là XXY. Tôi rất buồn vì kết quả này. Còn người cha kia, chắc hẳn anh sẽ đau khổ lắm.

Tôi lập tức gọi điện cho bố của đứa trẻ. Nhận điện thoại, anh ta đến ngay.

Tôi tiếp anh thanh niên với sự thông cảm sâu sắc:

-         Cô rất tiếc phải thông báo với cháu rằng, con của cháu mắc bệnh Klinefelter, một bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính. Cô thật sự muốn chia buồn với cháu.

Người thanh niên ngồi lặng đi, mân mê tờ kết quả xét nghiệm bệnh của đứa con. Nỗi đau buồn hiện rõ trên khuôn mặt thư sinh của anh.

Tôi lựa lời an ủi anh:

-          Dù sao, việc phát hiện sớm bệnh của con cháu cũng là điều may mắn. Thường những đứa trẻ bị bệnh này đến tuổi dậy thì mới biết mình bị bệnh. Lúc đó, đứa trẻ đã hiểu biết , nó sẽ rất hoang mang, sẽ sống khép mình, cô độc và thậm chí là thường xuyên có ý định tự tử. Bây giờ, nó còn bé, chúng ta còn có nhiều thời gian để chuẩn bị tinh thần cho nó.

Tôi chưa kịp nói hết thì anh ta ngắt lời:

-          Vậy biết sớm có chữa được không cô? Cháu phải làm sao bây giờ hả cô?

-          Khỏi hẳn thì khó, nhưng hạn chế để hướng về giới tính thực sự của bé thì có thể. Cháu phải dành nhiều thời gian và tiền của cho bé ngay từ bây giờ.

Tôi vừa nói, vừa đưa cho anh một tập tài liệu nói về bệnh Klinefelter (XXY), trong đó có nêu rõ những biểu hiện của bệnh này, cách điều trị bệnh, và tâm sinh lý của người bị bệnh

Người thanh niên vô cùng buồn bã, anh cám ơn tôi, rồi nói:

-          Cháu thực sự không phải vì đã nặng lời với cô hôm qua, cháu xin lỗi cô. Bây giờ, cô cho cháu thanh toán lệ phí xét nhgiệm lại lần này.

Tôi nói:

-          Chúng ta hãy quên những gì đã đôi co với nhau đi. cô không lấy lệ phí của cháu nữa đâu. Cháu chẳng có lỗi gì cả. Cô chỉ mong cháu bình tĩnh mà lo chữa chạy, chăm sóc cho con. Ngoài tìm thầy chữa bệnh cho nó, cháu còn phải tìm đến bác sĩ tâm lý để học cách gần gũi con, chăm sóc con. Ngay từ bây giờ, cháu hãy đến các trung tâm tư vấn về đồng tính, lên mạng tìm hiểu thêm thông tin. Có một đứa con mang bệnh như thế này thì ai chẳng lo lắng và buồn đau. Nhưng phải dẹp nỗi buồn đau đi mà lo cho tương lai của nó. Cô không hiểu, vì sao cháu phải đi xét nghiệm huyết thống với đứa trẻ, nhưng cho dù là lý do gì đi nữa, thì cháu cũng phải cho mẹ đứa trẻ biết bệnh của nó và cùng nhau lo chữa bệnh cho bé. Cha mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu đối với một đứa trẻ bị bệnh như thế này.

-          Vâng ạ, cháu sẽ cố gắng làm theo lời khuyên của cô. Cháu chào cô và cám ơn cô

Người thanh niên buồn bã, chậm chạp tiến ra cửa. tất cả chúng tôi nhìn theo anh và tất cả đều im lặng, cùng man mát một nỗi buồn.