GS.TS. LÊ ĐÌNH LƯƠNG

Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam

NGUYÊN MINH (thực hiện)

Gần đây, báo điện tử Vnexpress đã đăng nghiên cứu của Giáo sư Mắc Benlít ở Đại học Liverpool John Moores (Anh) với con số gây “sốc”: khoảng 4% đàn ông đang vô tình nuôi con của các … “bác tu hú”. Vậy ở Việt Nam, tỷ lệ ấy là bao nhiêu? Tôi mang câu hỏi ấy tìm đến GS, TS. Lê Đình Lương, người thành lập Trung tâm Phân tích ADN, nơi đã có hàng ngàn khách hàng nhờ ADN nói lên sự thật. Ớ đây, tôi được nghe thêm nhiều chuyện đời cảm động cùng nhiều điều kỳ lạ về ADN với chuyện hôn nhân, gia đình và sức khỏe …

Sinh ra giữa lòng Hà Nội, tại phố Hàng Cân, nhưng ngay những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã theo bố mẹ, ông bà nội đi tản cư lên chiến khu Việt Bắc, khi mới hơn 5 tuổi. Chiến tranh, loạn lạc, nhưng Lê Đình Lương sớm tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham mê tìm tòi, nghiên cứu. Ông tâm sự: “Lớn lên và học tập trong rừng sâu Việt Bắc, ước mơ cũng đơn giản, sở thích càng đơn giản hơn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc bút bi từ “trong Thành gửi ra”, mà thời đó không hiểu sao lại gọi là “bút nguyên tử ”, nghe đến khiếp!. Trong chiếc bút có hình cầu Long Biên nhỏ xíu, nhưng tuyệt đẹp. Tôi luôn “mơ thấy về Hà Nội”, mà sau này, đúng là ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Nhà tôi ở trên một quả đồi trồng sắn. Quả đồi bên kia, cách vài trăm mét, là nhà bạn học cùng lớp 2. Chúng tôi đã làm một cái “điện thoại trực tuyến” bằng dây chỉ, da ếch và ống nứa. Cũng nghe thấy nhau, mặc dù rất nhỏ. Một lần thấy cây sắn trồng bên nhà vệ sinh củ to bằng bắp chân, tôi quyết tâm trồng một cây khác trên đỉnh đồi, hàng ngày chăm sóc tưới tắm chu đáo, tin chắc sẽ có củ sắn to hơn, nhưng kết quả thật buồn: cây sắn cứ tàn lụi dần và chết!. Khi học cấp II, tôi suốt ngày loay hoay làm cái “rađiô galen”, tai nghe tự cuốn dây lấy, còn cục galen được tạo ra bằng chì và lưu huỳnh đốt nóng chảy. Thế là đêm đêm được nghe ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Học lớp đầu cấp III, tôi và một anh bạn cùng lớp rủ nhau làm một cái biến thế nặng bốn người khiêng, để hàn điện. Thế là đêm đêm, dùng đường tàu điện Hàng Bột làm đe, dùng thùng tôn hỏng chặt ra làm lõi sắt, rồi quấn vải vụn quanh dây điện nhặt nhạnh được. Cuối cùng, sau nhiều tuần cũng hoàn thành “công trình”, và một phần thưởng lớn bất ngờ đã đến với chúng tôi: chúng tôi được chụp ảnh chung với thầy chủ nhiệm lớp”.

Duyên nợ đưa ông đến với lĩnh vực di truyền học rất tình cờ. Giáo sư Lê Đình Lương kể: “Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, tôi được may mắn lựa chọn đi học nước ngoài, ngành toán học, vì cả thời gian cấp III tôi làm trưởng bộ môn Toán. Sau khi học chuyên ngữ tiếng Nga một năm ở Gia Lâm, do thiếu người đi học sinh học, đột nhiên tôi “bị” chuyển sang học sinh học trước khi lên tàu đi nước ngoài, vì lý do: tôi có điểm tổng kết môn Sinh vật học cao, mặc dù lúc đó tôi rất không thích học môn này. Thế là sau đó vài tuần lễ, tôi thực sự bị choáng kéo dài, đêm nào tôi cũng trằn trọc, mỗi khi thức giấc tôi đều bâng khuâng không hiểu mình là ai và đang tồn tại trong thế giới nào?! Tất nhiên, một phần do tôi chưa đủ hiểu biết nói chung về các ngành học. Nhưng phần chính là do môn Sinh học lúc đó quá tẻ nhạt, nặng về học thuộc lòng, cái tôi rất không thích. Sau này, khi học đại học hai năm đầu ở Liên Xô, những lần phải học thuộc tên Latinh của từng cái lá, cành cây, hay phải học thuộc những cái lỗ xương mà mỗi sợi dây thần kinh phải chui qua là cơn choáng lại kéo đến làm khổ. Cũng may, chuyên ngành của tôi lại là Di truyền học, nhưng môn này phải đến năm thứ ba mới được học. Và một cái may nữa là tôi lại được học Di truyền học ở Lêningrat, chứ không phải ở Mátxcơva. Trường Đại học Tổng hợp Lêningrat là trường duy nhất lúc đó ở Liên Xô được quyền dạy theo chương trình riêng của mình, không phải theo chương trình của Bộ Đại học Liên bang. Do vậy, tôi được học Di truyền học chính thống ngay từ khi còn ngự trị môn Di truyền học sai lầm của Lưxencô trên toàn Liên Xô và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác, kể cả nước ta. Đây có lẽ là “cái may” lớn nhất trong đời tôi. Có một kỷ niệm khó quên là lần tôi vào thi môn “ Phân tích di truyền”, sau khi tôi nhận được điểm ưu như các môn học khác, giáo sư Fedorov, người phụ trách môn học, quay ra nói với các sinh viên có mặt: “Hắn sẽ trở thành giáo sư của Việt Nam”. Lúc đó, tôi nghĩ chắc ông chỉ động viên tôi, nhưng không ngờ, sau này điều ông nói đã trở thành sự thật!”.

 Về nước, suốt hơn 40 năm, Giáo sư Lê Đình Lương công tác tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông nhiều năm phụ trách Phòng thí nghiệm Di truyền phân tử của trường và hiện nay còn đảm nhiệm nhiều chức danh như: Phó chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Di truyền học và ứng dụng. Ông đã từng là Chủ tịch Hội đồng Công nghệ sinh học thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản, Ủy viên Ủy ban Đạo đức sinh học quốc tế của UNESCO, đại diện của Việt Nam tham gia soạn thảo trong năm năm Nghị định thư Cartagena của Liên hợp quốc về quản lý sinh vật chuyển gien … Đặc biệt, ông là người sáng lập Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, hiện đang hoạt động rất hiệu quả với công nghệ ngang tầm quốc tế.

ADN – không chỉ “ai là ai?”

PV: Thưa ông, một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, qua giám định gien đã phát hiện tới 4% đàn ông phải nuôi con cho …người khác. Ở Việt Nam, Trung tâm Phân tích ADN của ông ra đời có phải cũng vì hiện tượng ngoại tình trong xã hội bây giờ quá nhiều?

GS. TS. Lê Đình Lương: Ý tưởng lập trung tâm nảy sinh trong tôi bắt nguồn từ phát minh được Giải thưởng Nôben của Kary Mulít công bố năm 1985. Phát minh này là bước ngoặt vĩ đại đưa Di truyền học phân tử đến với các nhà khoa học nghèo trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để nghiên cứu về ADN, nếu trước đây cần nhiều triệu đôla, nhiều năm, nhiều nhà khoa học thì nay chỉ cần một phòng thí nghiệm trang bị 4- 5 tỷ đồng với vài người là làm được. Năm 1988, thật may, khi trên đường về nước từ Hội nghị Di truyền học tổ chức ở Canađa, tôi ghé qua Mátxcơva và đã mua được chiếc máy khuếch đại ADN, hiện là chiếc máy khuếch đại ADN đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2005, tôi thành lập Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền ở Hà Nội. Từ một khoa học mang đầy tính hàn lâm, di truyền học phân tử ngày nay thực sự đã trở thành công cụ phục vụ thực tiễn trực tiếp. Từ nhiều năm nay, bản thân tôi vẫn cho rằng các nhà khoa học nước ta nên lao thẳng vào phục vụ thực tiễn bằng công nghệ cao, để đồng thời đạt hai mục tiêu: 1) Tự nâng cao trình độ và kinh nghiệm để dễ dàng tiếp thu những thành tựu thế giới đang nở rộ; 2) Nhận lại từ thực tiễn kinh phí để nuôi dưỡng và phát triển phòng thí nghiệm, tiết kiệm tiền cho Nhà nước. Để có tư cách pháp nhân thực hiện ý tưởng trên cần có một tổ chức. Với tôi đó là Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền. Ngay cả khi mới thành lập, chúng tôi chưa thấy khó khăn gì, vì trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện việc này từ hơn 10 năm nay.

Khi đạo đức bất lực thì người ta phải nhờ đến xét nghiệm ADN để nói lên sự thật. Nhưng phân tích ADN không chỉ có một nhiệm vụ phân định “ai là ai?”, mà còn có tác dụng rất lớn cho việc chăm sóc sức khỏe và phục vụ quản lý xã hội. Ngoài dịch vụ xác định huyết thống, chúng tôi còn có dịch vụ chuẩn đoán bệnh di truyền, đào tạo về công nghệ giám định gien …

PV: Nói nôm na thì ADN là gì mà có thể giải quyết được những việc lớn như thế, thưa giáo sư?

GS. TS. Lê Đình Lương: ADN là phân tử mang thông tin di truyền, nằm trong tất cả các tế bào của mỗi chúng ta. Nó chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi con người. Trong số các đặc tính mà ADN quy định có các đặc điểm cá nhân của mỗi người, mà các đặc điểm này lại truyền từ bố mẹ sang. Vì vây, dùng ADN có thể xác định được huyết thống và tìm được thủ phạm trong các vụ án. Nếu xác định được bố mẹ có mang gien bệnh thì có thể biết con cái sau này có khả năng mắc bệnh hay không. Nếu có thì khả năng đó là bao nhiêu phần trăm. Khi xác định được bệnh di truyền thì ta có thể có cách tránh bệnh đó một cách hợp lý và có thể loại bỏ bệnh ra khỏi cộng đồng dưới hình thức tư vấn di truyền và các biện pháp khác. Khi đã biết một bệnh cụ thể do một đoạn ADN cụ thể bị hỏng thì có thể có biện pháp sữa chữa hiệu quả nhất và nhanh chóng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã bầu chọn công nghệ ADN là một trong 25 công nghệ hàng đầu quan trọng nhất trong 25 năm qua. Từ năm 1953 đến nay, gần như năm nào cũng có các giải thưởng Nôben danh giá được trao cho các phát minh liên quan tới ADN.

GS. TS. Lê Đình Lương và chiếc máy phân tích ADN đầu tiên ở Việt Nam

PVXin Giáo sư cho biết, trong giám định ADN để xác định huyết thống, độ tin cậy đến đâu?

GS. TS. Lê Đình Lương: Chính xác đến 99,9999% với các trường hợp khẳng định và 100% với các trường hợp phủ định. Các nhà khoa học đã tính được rằng, trong 8 tỷ người mới có 2 người trùng kiểu gien, mà thế giới hiện mới có… trên 6 tỷ người.

Bốn triệu đồng để tìm sự thật

PV: Có bao nhiêu khách hàng đã đến trung tâm của ông để xác định “ai là ai” và “họ là ai”, thưa ông?

GS. TS. Lê Đình Lương: Chúng tôi đã phục vụ hơn 3.000 trường hợp tự nguyện xác định huyết thống, phục vụ tòa án, các sứ quán, trong nước và từ nước ngoài gửi mẫu về yêu cầu. Trong đó, 80% đến vì chuyện hôn nhân, gia đình, xác định huyết thống của con, cháu mà chúng tôi thường nói đùa gọi tên dịch vụ này là dịch vụ “ai là ai”! Hơn 3.000 ca là gần 3.000 câu chuyện cuộc đời đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố cùng những éo le, bi kịch đủ viết nên một cuốn sách ly kỳ như tiểu thuyết (ông đưa tôi xem cuốn truyện ngắn “ADN – Những chuyện thật bất ngờ” của tác giả Nguyễn Thị Nga – người bạn đời của ông, do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2008). Còn những khách hàng, “họ là ai” ư? Cũng đủ đối tượng mà có lẽ ta nên dành cho họ sự cảm thông hơn là chê trách. Có người là Việt kiều về tìm người thân, có người là lính Mỹ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia… tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã từng để lại những đứa con hoang nay trở lại tìm con. Cũng có nhiều ca do tranh cãi ở tòa án mà phải tìm đến xét nghiệm. Nhưng có rất nhiều ca, khách hàng là những lái xe đường dài, giám đốc công ty và một số quan chức vì ăn chơi, có bồ nhí mà phải tìm đến giám định ADN cùng bao hệ lụy… Hiện nay, chi phí cho mỗi ca giám định có nhiều mức giá khác nhau (từ 4 đến hơn 10 triệu đồng), tùy theo thời gian nhanh hay chậm, xác định quan hệ bố - mẹ - con thì chi phí rẻ hơn xác định quan hệ ông –bà - cháu, anh - em…

 PV: Bốn triệu đồng để tìm một sự thật hệ trọng không phải là đắt. Nhưng sẽ là một cái giá rất đắt nếu sự thật ấy làm tan vỡ nhiều gia đình. “Nửa sự thật không còn là sự thật”. Nhưng với chuyện ADN, đôi khi “nửa sự thật” vẫn tốt hơn?

GS. TS. Lê Đình Lương: Một cụ ông sinh năm 1934 nhờ ADN mà không bị một cô gái bán hoa đổ bừa là cô có con với cụ để moi của. Có vị giám đốc sau khi cầm kết quả “không phải con mình” đã nhảy lên vui sướng. Hay như vụ em bé 13 tuổi ở một tỉnh miền núi bị xâm hại tình dục, có thai, ADN đã giúp tìm ra thủ phạm, tránh nỗi oan khiên cho ông bố dượng. Nhiều trường hợp, ánh sáng sự thật mà ADN rọi tới là ánh sáng công lý, mang lại hạnh phúc. Nhưng nhiều khi cũng là những sự thật đau lòng. Có đôi trẻ yêu nhau, “ăn cơm trước kẻng”, bố mẹ bắt giám định ADN, nếu đúng là cháu họ mới cho cưới. Nhưng chàng trai đã yêu đến mức nói dối kết quả với bố mẹ để cưới bằng được cô gái. ADN giúp bố mẹ họ biết được sự thật, nhưng không phải là thứ làm nên hạnh phúc của họ. Với họ, tình yêu mới làm nên hạnh phúc! Tôi đồng ý với anh rằng, nếu lạm dụng giám định ADN sẽ mang lại nhiều hệ quả xã hội phức tạp. Như ở Mỹ, sau 10 năm, số trường hợp kiểm tra huyết thống cha-con đã tăng gấp đôi, từ 142.000 ca năm 1991 tới 310.490 ca năm 2001. Anh nghĩ sao khi ngày càng nhiều người đàn ông phát hiện con mình có chung huyết thống với… ông hàng xóm? Giám định ADN mang lại sự thật, hạnh phúc lâu bền chỉ có thể dựa trên sự thật. “Hạnh phúc” dựa trên sự giả dối, sao gọi là hạnh phúc được. Cho nên, tốt nhất anh phải sống trung thành và chân tình với nhau để không bao giờ phải giám định ADN cả!

ADN chữa bệnh

PV: Nói đến giám định ADN, người ta thường nhắc đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và một số cơ sở khác, vậy Trung tâm Phân tích ADN của ông ở “tầm” như thế nào?

GS. TS. Lê Đình Lương: Về các cơ sở xét nghiệm ADN khác tôi không có ý kiến. Thực tế đã và sẽ đánh giá. Ở đây tôi chỉ nêu đặc điểm nổi bật của Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền là trung tâm đã đạt trình độ quốc tế về xét nghiệm huyết thống, thể hiện ở mấy điểm sau: 1) Không chỉ xác định quan hệ cha-con, mà còn xác định được tất cả các quan hệ huyết thống khác như anh-em, chú-cháu, ông-cháu, bà-cháu, phả hệ, v.v.. 2) Kết quả xét nghiệm của Trung tâm có thể sử dụng toàn cầu. Thí dụ, con xét nghiệm tại Trung tâm, bố xét nghiệm tại Mỹ hoặc châu Âu. Sau đó so sánh các kết quả qua email, có thể kết luận được có quan hệ huyết thống hay không. Chúng tôi đã thực hiện những xét nghiệm “xuyên đại dương” như thế cho nhiều trường hợp ở Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức.

PV: Năm 2008 các nhà khoa học Trung Quốc cho ra mắt một loại “lá số tử vi” mới là “tử vi ADN” có thể cho biết chính xác sức khỏe, bệnh tật của một đứa bé. Có điều này không, thưa ông?

GS. TS.Lê Đình Lương: Chắc chắn sẽ có lá “tử vi ADN” rồi! Thuật ngữ này ở Việt Nammình, Trung tâm ADN đã dùng từ lâu. Vấn đề chỉ là mức độ đầy đủ thông tin cho tử vi ADN mà thôi. Nội dung của mỗi lá tử vi gồm ba phần chính: 1)Thông tin của các gien (các đoạn ADN) phản ánh tính đặc trưng riêng của mỗi cá thể. Có thể gọi phần này là chứng minh thư ADN hay thẻ ADN cá nhân, dùng để nhận dạng và xác định huyết thống. Đến hôm nay Trung tâm chúng tôi đã làm thẻ ADN cá nhân cho hơn 1.000 người với thông tin đầy đủ nhất như các nước tiên tiến đang làm. 2) Thông tin về các gien liên quan đến bệnh tật. Hiện nay, Di truyền học đã phát hiện khoảng 5.000 bệnh di truyền ở người. Trong đó thế giới đã có quy trình chẩn đoán khoảng 1.000 bệnh. Trung tâm chúng tôi mới đưa vào dịch vụ được năm bệnh: Down và bốn bệnh liên quan đến giới tính. Về nguyên tắc, phần thông tin về bệnh cho mỗi người cụ thể không nhất thiết phải chứa thông tin của cả 5.000 bệnh, mà chỉ cần đưa vào đó các bệnh phổ biến nhất đặc thù cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương, thậm chí mỗi gia đình. Vì vậy, phần thông tin này với mỗi cá nhân cụ thể chỉ cần khoảng vài chục gien là đủ. Như vậy, việc cung cấp lá tử vi ADN đầy đủ cho mỗi người hiện nay là hiện thực. 3) Phần thứ ba mà một thẻ tử vi ADN cá nhân có thể phân tích là dự báo những năng khiếu, triển vọng năng lực tư duy và hành động của mỗi con người. Đây là những đặc điểm được quy định bởi nhiều gien và bởi các yếu tố môi trường, cho nên đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu hơn.

Ở nhiều nước, một đứa trẻ vừa ra đời, bố mẹ nó sẽ được tặng tận tay một lá số tử vi truyền thống. Nhưng hiện nay, tôi nghĩ với thành tựu nghiên cứu về ADN, ta nên có ngay một thẻ ADN cá nhân cho các em. Thẻ này mới cho những dự báo về sức khỏe, tương lai chuẩn nhất! Nếu chúng ta coi giám định ADN là một biện pháp bắt buộc có tính khoa học, giống như xác định nhóm máu và ghi vào giấy khai sinh thì chắc chắn sẽ không còn những chuyện như anh em ly tán rồi kết hôn nhầm, quan hệ hôn nhân không lành mạnh từ những người chung huyết thống… Nhưng để vấn đề này trở thành một quy định bắt buộc mang tính chất pháp lý thì cần phải có lộ trình lâu dài. Hiện nay, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ thẻ ADN cá nhân cho hai phần đầu với giá vài triệu đồng. Tất nhiên giá thành có thể giảm rất nhanh nhờ sự tiến bộ của công nghệ sinh học thế giới đang vùn vụt từng ngày!