Cầm hai mẫu phẩm trên tay anh thanh niên vừa đưa cho tôi vừa nói:

   - Đây là mẫu của em, còn đây là mẫu của ông nội em, em xin được xét nghiệm để xem em có đúng là cháu của ông không?

   Tôi phải lưu ý với người khách:

    -   Em chỉ có thể là cháu của của ông, khi mà bố em thực sự là con đẻ của ông đấy nhé!

    Người khách vội nói ngay:

    - Vâng, đúng thế ạ. Nếu đúng em là cháu của ông thì rõ ràng em đã tìm được cha cho bố em phải không chị?

    -   Đúng rồi! Thế em đang đi tìm cha cho bố à?

    -   Vâng!

    - Thế sao em không lấy mẫu của bố và của ông đem xét nghiệm trực tiếp quan hệ giữa hai người mà phải gián tiếp qua em?

   -   Bố em cũng đã định làm như vậy nhưng mệt mỏi quá nên bay đi rồi.

   -   Bố em bay đi đâu?

   -   Bố em bay sang Mỹ rồi, thấy bố em mệt mỏi, buồn và thất vọng quá, em lại bay từ Mỹ về đây. Em phải cố gắng thực hiện ước nguyện của bố.

   -   Cả gia đình em sống ở Mỹ à? Lâu chưa?

   -   Lâu lắm rồi chị ạ. Bố em năm nay đã 65 tuổi rồi. Bố em từ Cát Hải ra đi. Ông bị lạc từ khi còn nhỏ, nhỏ đến mức không nhớ tên của mình và không nhớ cả tên bố mình. Ông chỉ biết mọi người gọi mình là cu Tí. Cũng may là ông còn nhớ được tên quê hương mình, và trong tâm trí của ông, ông nhớ là mình được sinh ra ở một vùng xung quanh mênh mông sóng biển. Bố em vẫn bảo rằng, ông nội nuôi sống cả nhà bằng những con tôm, con cá bắt được từ biển. Hàng ngày, bố em thường hay đứng ngóng cha từ ngoài khơi trở về.

   Tôi hỏi:

   - Không nhớ tên ông cụ, thì làm sao tìm lại được ông? Tìm như vậy có khác nào mò kim đáy biển?

   Người khách đáp:

   - Rất may là bố em nhớ được tuổi của ông em, bố em nhớ là ông em hơn bố 30 tuổi và bố còn nhớ là bố có hai người anh sinh đôi, nhưng lại rất khác nhau. Bố mẹ em ở bên Mỹ cũng sinh đôi được hai người con và cũng không giống nhau. Ông bảo em là, cứ theo những tình tiết ấy mà tìm. May ra sẽ tìm được ông nội. Trước đây vài tháng, bố em đã về và tìm quanh đảo Cát Hải. Ông đến từng thôn, từng xóm một. Rồi ông tìm đến các bộ phận quản lý nhân khẩu của từng vùng hỏi han tỉ mỉ. Cứ nơi nào có cụ già khoảng 95 tuổi là tìm đến. Và cũng đã tìm được vài cụ. Nhưng khi lặn lội đến tận nơi thì không ai có con mất tích như ông cả. Mệt mỏi quá. Ông buồn rầu quay sang Mỹ.

   -  Kỳ này, em về tìm nốt những nơi mà bố chưa tìm đến. Em đã đến một vùng dân cư thưa thớt và xa trung tâm nhất. Vùng này hiện chỉ còn hai cụ 95 tuổi đang sống. Em đã gặp được một cụ rồi, nhưng mọi chi tiết đều không khớp. Còn cụ cuối cùng này thì em đang rất hy vọng.

   -  Tìm hiểu về gia đình này, em thấy có rất nhiều điểm trùng khớp. ông cụ đã 95 tuổi, vẫn đọc sách nhưng tai hơi nghễnh ngãng. Cụ cũng có hai người con sinh đôi hơn tuổi bố em. Nhìn trên bàn thờ có tranh vẽ của một người đàn ông, em rất hồi hộp hỏi mọi người xem đó là ai? họ nói, đó là con trai thứ ba của ông mất tích lâu lắm rồi, đây chỉ là bức vẽ tưởng tượng thôi. Họ còn kể là, cách đây không lâu, có một ông thầy bói giỏi lắm. Ông này quen với con út nhà họ. Ông thầy bói nhìn bức ảnh và nói rằng: “Người con trai này của cụ vẫn còn sống và ở rất xa. Sao cụ lại thờ người sống vậy”. Cụ không tin và vẫn không bỏ bức ảnh xuống.

   Trong khi đó, ở Mỹ, cũng có thầy xem bói cho bố em và phán rằng: “Cha của ông vẫn còn sống và năm nay đã gần trăm tuổi”. Vì vậy bố em vẫn nuôi hy vọng. Thực sự là em không tin vào bói toán nhưng em thấy có những điều rất trùng khớp mà không thể làm ngơ được. Em đã lấy được mẫu của ông cụ ở Cát Hải chiều qua, và hôm nay đưa đến đây ngay.

***

    Khi làm mọi thủ tục xét nghiệm, anh ta hỏi:

   -   Hôm nào thì em có thể nhận được kết quả chị nhỉ?

   Tôi đưa cho anh bảng lệ phí xét nghiệm và nói:

   -   Điều đó thì phụ thuộc vào anh. Nhanh nhất là 3 ngày còn chậm nhất là ba tuần.

     Anh ta chọn lấy kết quả sau 3 ngày. Trước khi ra về anh còn nói thêm:

   -   Nếu đúng là ông em, thì em sẽ điện cho bố về ngay, bố chắc sẽ hạnh phúc lắm lắm.

    Anh ra về mang theo niềm hy vọng tìm lại người thân. Còn tôi, tôi thật sự mong muốn điều đó trở thành hiện thực. Tôi theo sát ca xét nghiệm này từng ngày, từng giờ và hồi hộp như chính mình là người trong cuộc. Tôi chưa bao giờ đi xem bói, vì tôi không bao giờ tin vào bói toán, nhưng lần này tôi rất muốn tin, có lẽ vì tôi mong và hy vọng gia đình của anh thanh niên kia tìm lại được người thân sau hàng chục năm xa cách.

    Sau hai ngày xét nghiệm, kết quả đầu tiên hiện lên, tôi bắt đầu thất vọng và cuối cùng chúng tôi phải kết luận: người thanh niên kia “. . . không phải là cháu nội. . . ” của ông cụ mà anh vừa tìm được.

    Hôm đến lấy kết quả, anh thanh niên đi trên chiếc ôtô 7 chỗ ngồi, trên xe có rất nhiều người đi cùng. Đoàn người hồ hởi bước vào văn phòng của chúng tôi, khi trao kết quả cho anh, tôi rất buồn nói:

   - Như vậy là thầy bói đoán sai rồi em ạ, em với ông cụ không có quan hệ huyết thống, chị rất tiếc”.

    Anh ta rầu rĩ cầm mãi tờ giấy trên tay, những người đi theo cũng buồn chẳng kém, tất cả điều im lặng. Một lúc sau anh nói:

    -   Hay em đưa bố em về lấy mẫu để xét nghiệm trực tiếp với ông vậy.

   Tôi khuyên anh:

   -   Em đừng bắt bố em về nữa, nếu muốn, em hãy mở trang web của Trung tâm của chúng tôi, trên một máy tính được nối mạng ở ngay trên đất Mỹ ấy, rồi theo đúng chỉ dẫn lấy mẫu, gửi về theo địa chỉ Trung tâm, còn mẫu của ông cụ chúng tôi sẽ lưu lại đây chờ đợi mẫu của bố em để xét nghiệm trực tiếp quan hệ cha con giữa hai người.

    Thấy anh do dự, tôi khẳng định:

    - Anh yên tâm đi, nhiều người ở nước ngoài hoặc ở các tỉnh xa, sau khi truy cập trang web của chúng tôi đã tự lấy mẫu và gửi mẫu đến đây, đỡ tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc. Có kết quả chúng tôi sẽ gửi chuyển phát nhanh đến địa chỉ mà anh đã đăng ký tại đây. Nhưng... có một điều tôi phải nhắc lại với anh rằng, nếu anh đích thực là con đẻ của bố anh, thì không nên làm xét nghiệm nữa. Kết quả này là đã nói lên tất cả rồi: Anh không phải là cháu nội của ông cụ, thì bố đẻ của anh không thể là con đẻ của ông cụ đó.

    Nét mặt anh thanh niên đầy vẻ nuối tiếc. Im lặng một lúc, anh nói:

   - Thôi! đến giờ em phải ra sân bay rồi. Nhưng chắc chắn em sẽ còn về Việt Nam nhiều lần nữa và còn đến trung tâm của chị nữa. Em phải tiếp tục tìm kiếm ông của em, vì đó là niềm mong mỏi đêm ngày của bố em mà.

    Anh thanh niên cùng đám bạn bè của anh chào chúng tôi ra về. Tôi nhìn theo:

   - Ước chi có một ngày nào đó, anh thanh niên này sẽ tìm được ông nội của mình.