Hai người thanh niên lững thững bước vào Trung tâm. Họ ngồi xuống ghế im lặng và cùng đưa mắt quan sát khắp căn phòng khách rộng rãi của chúng tôi. Đợi cho họ quan sát xong, tôi hỏi:

     -  Hai anh có nhu cầu gì vậy?

      Một người từ từ lên tiếng, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi:

     -  Phòng thí nghiệm của cô ở đâu ạ?

      Tôi trả lời:

     -  Anh cần xét nghiệm ADN hay anh cần biết địa chỉ phòng thí nghiệm của chúng tôi?

    -  Dạ! Không ạ. Cháu chỉ hỏi vậy thôi. Thế cô làm các xét nghiệm ở đây hay gửi đi đâu ạ?

     -  Chúng tôi làm tại phòng thí nghiệm của chính chúng tôi. Mà sao anh điều tra kỹ lưỡng thế? Anh có nhu cầu gì không?

Người thanh niên kia xem chừng có vẻ hiền lành hơn, trả lời tôi một cách chân thành:

       -  Chúng cháu thấy mung lung quá cô ạ, đây là nơi thứ 3 chúng cháu đến. Đầu tiên, chúng cháu đến một vông ty cổ phần theo quảng cáo trên mạng rất hoành tráng, toàn những hình ảnh rất đẹp, người trên các trang ảnh toàn là Tây, kĩ thuật và các phương tiện cũng toàn của Tây, rồi có những trường hợp gửi đi Tây để xét nghiệm nữa… và được quảng cáo là làm được mọi thứ. Nhưng trường hợp của hai đứa chúng cháu đây thì họ trả lời là: “ chúng tôi làm tất cả mọi thứ, tuy rằng, trường hợp của các anh hơi đặc biệt”…Chúng cháu thấy không yên tâm nên không làm. Nơi thứ hai bọn cháu đến thì thật buồn cười, họ cho chúng cháu hai mức giá: một mức chỉ trả lời bằng miệng, không có con dấu. Một mức có văn bản, có con dấu, nhưng lệ phí phải đắt hơn. Họ còn khuyên chúng cháu là về đưa bố đến đây xét nghiệm cho đơn giản, việc gì phải xét nghiệm anh em cho phức tạp, trong khi bọn cháu phải bí mật chuyện này với bố. Chúng cháu muốn biết, chúng cháu có phải là hai anh em cùng cha không?

    -  Thế sao các anh biết địa chỉ của chúng tôi?

    - Vậy các anh có muốn xét nghiệm ở đây không? Chúng tôi xét nghiệm tất cả các quan hệ anh em, chị em cho rất nhiều trường hợp rồi, đặc biệt là những trường hợp mà chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia ly” gửi đến. Nếu các anh thấy chưa tin ở trung tâm chúng tôi thì tôi khuyên không nên làm. Các anh cứ tiếp tục tìm hiểu, tin tưởng ở đâu thì làm ở đấy.

     Một người trong họ lên tiếng:

     -   Cô có thể làm nhanh nhất cho chúng cháu được không? Cô có con dấu không?

    - Được chứ, nhanh nhất là sau 4 giờ, nhưng lệ phí cao đấy. Còn về con dấu, anh không muốn có con dấu cũng không được. chúng tôi không bao giờ phát ra một kết quả không có con dấu. Cụ thể bảng lệ phí đây, nếu các anh quyết tâm làm thì chọn mức thời gian đi và đọc kỹ tờ đơn xét nghiệm rồi điền đầy đủ các thông tin vào đơn. Bảng lệ phí này áp dụng cho tất cả những người có nhu cầu xét nghiệm, không phân biệt người đó là người Việt Nam hay người nước ngoài

      Hai thanh niên cùng chụm đầu nghiên cứu các tài liệu của trung tâm như: bảng lệ phí, đơn xin xét nghiệm, mẫu kết quả…

      Quan sát hai chàng trai đa nghi, tôi nhận thấy họ đã tin tưởng ở trung tâm tôi. Họ gật gật đầu và chọn mức thời gian trung bình là 3 ngày sau có kết quả. Mọi thủ tục được hoàn tất nhanh chóng. Hai chàng trai chào chúng tôi và nói:

      -  Giá như chúng cháu biết trung tâm của cô sớm hơn thì đỡ tốn biết bao nhiêu thời gian.

     Tôi cười:

      -  Đi thăm dò vài nơi như thế cũng có lợi anh ạ. Chuyện quan trọng thế này mà sà ngay vào làm tại một nơi nào đó thì dễ tiền mất, tật mang  lắm

     Ngày lấy kết quả, chỉ có chàng trai trông bộ hiền lành đến. Anh ta không hề ngạc nhiên khi được biết anh ta chính là anh em cùng cha với người thanh niên cùng đến hôm trước. Cầm tờ kết quả, anh nói:

     -   Cháu biết chắc chắn kết quả sẽ thế này mà.

      -    Sao hai anh em mà chẳng có nét gì giống nhau vậy nhỉ? Chắc vì thế mà cháu đi xét nghệm?

      -   Vấn đề là ở chỗ đó. Cháu phải làm để trình kết quả này cho cả họ bên bố cháu. Hơn 30 tuổi rồi, cháu mới biết mặt bố. Chắc tụi cháu đứa nào cũng giống mẹ, chẳng ai giống bố.

      -    Vậy mà cháu không giận bố vì đã bỏ rơi mẹ con cháu ngần ấy năm ư?

      -    Không ạ! Chuyện của cháu khá đặc biệt.

      -   Cháu có thể kể cho cô nghe xem nó đặc biệt ra sao không?

      -    Vâng, được ạ.

***

       Cháu sống với một người mẹ và được thương yêu chiều chuộng hết mực, nhưng bà cũng rất nghiêm khắc. Bà không quản ngại việc gì để kiếm tiền nuôi cháu ăn học. Khi còn bé, cháu vẫn luôn hỏi mẹ là “bố con đâu”… “Sao mọi đứa trẻ khác có bố mà con lại không có bố”. Mẹ đều trả lời: “Bố con là một người lính, mẹ đã mất liên lạc với bố con từ khi con còn nhỏ. Cuộc chiến tranh tàn khốc ở Trường Sơn năm ấy không hiểu bố con sống chết ra sao. Mẹ vẫn giữ ảnh của bố con và những vật kỷ vật của bố trong tủ kia. Mai này, nếu may mắn gặp lại bố con thì hạnh phúc quá.

       Nhiều lúc, cháu cũng có ý định lần theo tên tuổi và những gì mẹ cháu biết được để tìm bố, nhưng rồi lòng tự trọng của một thanh niên đã kìm chân cháu lại. Cháu nghĩ, bố là người không tốt, nên không chịu tìm về với mẹ con cháu. Cháu cũng chẳng cần gì đến ông nữa… Nhưng sự thật không phải như vậy cô ạ.

      Năm ngoái, do bệnh tật và làm việc quá sức, mẹ cháu đã qua đời, trước khi mất, mẹ cháu mới kể với cháu toàn bộ sự thật. Cháu tin tuyệt đối vào những điều mẹ kể và không còn lý do gì để cháu giận bố và quyết tâm tìm về với bố.

      Mẹ cháu kể rằng:

     Hồi xưa, mẹ cháu làm cấp dưỡng cho một đơn vị thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn. Một hôm, đơn vị điều về bếp của mẹ một cô gái trông khá dễ thương với lý do “không đủ sức khỏe để ra mặt trận”. Cô gái rất buồn, suốt ngày chỉ lầm lũi làm việc, không nói năng gì, nhiều khi còn khóc nữa. Mới đầu, ai cũng thương cô gái.

     Nhưng chỉ ít ngày sau, tìm hiểu về lý do “sức khỏe” của cô gái, mọi người mới vỡ lẽ là cô đã có bầu, vì vậy, không thể để cô ra tuyến lửa được. Bị đưa về phụ bếp, đó là một kỷ luật đối với cô gái.

     Từ thương, chuyển thành ghét bỏ, rồi lại từ ghét bỏ chuyển thành thương, đó là tình cảm của mẹ cháu dành cho cô gái. Bởi càng ngày tiếp xúc và nghe cô gái kể về mối tình với người lính – cha của đứa trẻ trong bụng cô - mẹ cháu mới thấy cần phải yêu thương, thông cảm cho cô gái. Họ trở thành đôi bạn thân thiết.

      Khi cô gái sinh nở, mẹ đã chăm sóc cô như chăm người em gái ruột thịt. Mẹ yêu quý đứa trẻ ngay từ lúc lọt lòng. Giữa chiến trường, chỉ có khói lửa và bom đạn, đứa trẻ như chồi non vươn lên, làm cho cuộc sống của những người lính sôi động hẳn lên… Đứa trẻ lớn lên, tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình yêu của mọi người dành cho nó thì luôn ngập tràn…

     Thế nhưng, tội nghiệp cho đứa trẻ, nó mới chỉ đầy năm thì mẹ nó đã hy sinh. Người mẹ trẻ đã viết đơn xin được trở lại mặt trận mở đường khi thấy con mình đã cứng cáp.

     Thế rồi, sau một trận bom dữ dội của quân thù, mẹ đã hy sinh. Đứa trẻ trở thành mồ côi… Và cô biết không, đứa trẻ đó chính là cháu đấy. Mẹ đã nuôi dạy cháu từ đó và coi cháu là đứa con ruột thịt của mình.

      Chiến tranh kết thúc, mẹ trở về quê với đứa con nhỏ trên tay. Phần vì tuổi mẹ cũng đã “toan về già”, phần vì nhan sắc của mẹ chẳng nổi trội, phần vì mẹ đã có một đứa con nên mẹ thật khó tìm cho mình một tấm chồng. Rào cản lớn nhất để một người đàn ông đến với mẹ lại chính là đứa con mẹ mang từ chiến trường về. mẹ không cho ai biết rằng, cháu là con nuôi của mẹ. Mẹ bảo rằng, mẹ không cần gì cả, mẹ chỉ cần có cháu. Mẹ không muốn ai cướp đi đứa con của mẹ. Chính vì vậy, mẹ không muốn cho bố đẻ của cháu biết là ông đã có một đứa con trai trên đời này. Chỉ đến khi cảm thấy bệnh tật không buông tha mình thì mẹ mới nghĩ đến chuyện tìm cha cho cháu. Mẹ tìm đến tất cả những người bạn chiến đấu cũ, tích cực đi họp các cuộc gặp mặt cựu chiến binh và cuối cùng mẹ đã tìm được bố cháu. Cho đến lúc đó, mẹ mới cho cháu xem tấm ảnh bố hồi trẻ cùng với một cái lược được làm từ một mảnh vỏ của máy bay Mỹ mà bố đã tự chế để tặng cho mẹ đẻ của cháu. Trước khi trao những thứ trên cho cháu, mẹ đã xúc động nói với cháu:

       “Mẹ thật sự xin con tha lỗi vì đã quá ích kỷ. Nhưng mẹ cũng không hối hận vì mẹ đã sống vì con. Mẹ biết, bố con hiện còn sống và đã có một gia đình êm ấm. Bố con không hề biết có con ở trên đời. Bố con thỉnh thoảng vẫn về thắp hương cho mẹ con. Con hãy tìm đến bố, phải nhớ là bố con không có lỗi gì hết . Hãy hứa với mẹ điều đó. Nếu có trách, thì hãy trách mẹ, người đã cản trở con về với bố”.

       Lo toan hậu sự cho mẹ nuôi, cháu cầm ảnh và những kỉ vật của mẹ nuôi đưa, theo sự chỉ dẫn của mẹ nuôi, cháu đã tìm được bố.

      Nhìn chiếc lược do chính bố cháu đã làm tặng mẹ năm xưa, bố cháu đã xúc động kể lại cho các thành viên trong gia đình của bố nghe về mối tình trong chiến tranh của bố với mẹ đẻ của cháu. Bố cháu đã có 2 người con trai và một cô con gái. Trong họ của bố cháu, có người thì vui vẻ đón nhận cháu, nhưng cũng có người không thoải mái. Nhiều người khuyên bố cháu nên đi xét nghiệm ADN với cháu để hết băn khoăn. Bố cháu quát:

      -  Tôi không cần phải xét nghiệm gì hết. Đây là đứa con được sinh ra trong chiến trường máu lửa của tôi. Lỗi này là do chiến tranh. Không ai có quyền làm tổn thương đến vong linh của me nó. Tôi đã không nuôi được con tôi, bây giờ nó tìm về với tôi, sao các người còn không hiểu cho tâm trạng của tôi. Không có ADN gì hết. tôi nhắc lại “Đây là đứa con chiến trường của tôi”.

       Nghe bố nói vậy, không ai dám có ý kiến gì. Nhưng bọn cháu (cháu và em trai của cháu đó), quyết tâm tìm đến ADN vì cháu biết ADN sẽ cho kết quả chính xác “cháu và em cháu có phải là anh em của nhau” không. Cháu sẽ chỉ trình kết quả này cho ai còn nghi ngờ. Trước sau gì, bố cháu cũng biết cháu đã đi xét nghiệm, nhưng khi đó, sự đã rồi, chắc bố cháu cũng sẽ hiểu và thông cảm cho cháu.