Kết quả sau giám định đã gây “sốc” cho mọi người, cả hai mẩu xương lấy từ hai ngôi mộ đều có chung một ADN, tức là đều là xương cốt của một người!
Tìm tên cho các liệt sỹ
Hơn 10 năm làm Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT), bà Nguyễn Thị Nga đã chứng kiến nhiều câu chuyện của những khách hàng đã tìm đến trung tâm để làm xét nghiệm.
Nhưng những câu chuyện xét nghiệm ADN hài cốt liệt sỹ để xác định danh tính khiến bà xúc động hơn cả. Mỗi câu chuyện gắn liền với mỗi gia đình, mỗi phận đời, mỗi hoàn cảnh cụ thể không ai giống ai và đều để lại trong lòng người nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau.
“Tôi không còn nhớ rõ đã tham gia xét nghiệm ADN hài cốt các liệt sỹ bao nhiêu lần và bao nhiêu liệt sỹ đã được xác định danh tính, vì nhiều quá. Mỗi lần đều để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi không nghĩ đó là việc bình thường đâu, mà tôi nghĩ đó còn là trách nhiệm của mình phải làm nữa, vì mình là những người đã chịu ơn những liệt sỹ ấy”, bà Nga xúc động nói.
Bà Nga cho biết, cách đây không lâu, bà vừa làm xét nghiệm ADN hài cốt cho hai iệt sỹ ở Hà Tĩnh và kết quả đã gây bất ngờ đối với bà cũng như gia đình thân nhân liệt sỹ.
Theo bà Nga, hai liệt sỹ quê Hà Tĩnh nói trên ở cùng quê và là bạn thân của nhau. Khi đi bộ đội, họ cùng đơn vị và cùng chiến đấu ở chiến trường B. Và hai người cùng hy sinh trong một trận bom.
Do hai chiến sỹ hy sinh ở tư thế nằm vắt lên nhau (lúc vào hầm tránh bom) nên lúc tổ chức mai táng, người dân và đồng đội đã chôn cùng một chỗ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT)
Sau giải phóng, tỉnh Hậu Giang (nơi hai người hy sinh) đã tổ chức quy tập hài cốt của cả hai vào nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh. Căn cứ vào lời kể của nhân chứng cùng với hiện trạng của hài cốt, đội quy tập đã tiến hành phân tách hài cốt ra làm hai bộ và chôn trong hai mộ.
Đầu năm 2015, gia đình vào Hậu Giang xin phép địa phương cho quy tập hài cốt của hai liệt sỹ về nghĩa trang quê nhà ở Hà Tĩnh cho tiện việc chăm nom hương khói và được tỉnh Hậu Giang đồng ý, giúp đỡ.
Lúc đào lên để lấy hài cốt, hai gia đình đã lấy mỗi bên mộ một ít mẩu xương để đem đi giám định ADN. Kết quả sau giám định đã gây “sốc” cho mọi người: cả hai mẩu xương lấy từ hai ngôi mộ đều có chung một ADN, tức là đều là xương cốt của một người!
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Thực ra ở trong trường hợp này cũng không có gì khó hiểu cả. Lúc hy sinh, hai người ở cạnh nhau, do hầm trúng bom nên thi thể cả hai người đã không còn nguyên vẹn.
Khi tổ chức an táng, đồng đội và người dân cũng chỉ biết xếp các bộ phận thi thể và phân ra làm hai một cách tương đối thôi, nên chuyện nhầm giữa bộ phận thi thể người này với thi thể người kia là điều tất nhiên”.
Cũng theo bà Nga, dù kết quả ADN như vậy, song gia đình vẫn giữ nguyên trạng hài cốt như ban đầu và không thay đổi.
“Lý do cả hai gia đình đưa ra là chỉ xét nghiệm ADN để cho biết, nên nếu có nhầm lẫn thì cũng không sao, quan trọng là vẫn tìm ra hài cốt để đưa về. Lúc sống, hai người là bạn thân, là đồng đội, khi mất họ vẫn ở bên nhau, nghĩa tình đồng đội rất sâu nặng và cả hai gia đình đều coi hai liệt sỹ là người thân của mình”, bà Nga nói.
Công việc đòi hỏi tính chính xác cao
Theo bà Nguyễn Thị Nga, công việc xét nghiệm ADN hài cốt để xác định danh tính cho liệt sỹ là công việc khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì và tuyệt đối chính xác.
Những hài cốt tìm thấy đa phần đều không còn nguyên vẹn, nhiều khi đã bị mục nát. Xét nghiệm ADN cho người sống hoặc người mới chết thì công việc đơn giản hơn vì khi xét nghiệm vẫn có thể tìm thấy các ADN dạng chuỗi, tiến hành phân tách dễ dàng.
Còn khi xét nghiệm ADN cho hài cốt liệt sỹ, nhất là những hài cốt hàng chục năm, thì ADN dạng chuỗi đã bị phá hủy, không còn nữa. Lúc này chỉ còn sót lại những ADN dạng ti thể. Mà ADN ti thể thì rất phức tạp.
Công việc phân tích ADN ti thể cực kỳ khó khăn vì đây là những ADN “yếu”, nếu làm không cẩn thận, rất dễ bị “nhiễm” bởi các ADN của người sống, mà trực tiếp là người đang làm xét nghiệm.
Bà Nga giải thích: “Tất cả những nhân viên làm ở phòng thí nghiệm, tôi đều yêu cầu phải xét nghiệm ADN và lưu lại kết quả ở phòng để sau đó đối chứng. Bởi vì khi tiến hành xét nghiệm ADN ti thể, chỉ cần một hơi thở, một cái hắt hơi hay một sợi tóc của người làm xét nghiệm rơi vào mẫu là coi như hỏng.
Sau khi xét nghiệm xong ADN ti thể, người làm xét nghiệm lại phải đối chiếu để kiểm chứng một lần nữa với kết quả ADN của người làm xét nghiệm đã lưu lại ở phòng.
Nếu kết quả xét nghiệm ADN ti thể và kết quả ADN của người làm xét nghiệm khác nhau, tức là xét nghiệm thành công. Còn nếu hai kết quả giống nhau, tức là xét nghiệm đã thất bại, mẫu ADN ti thể đã bị nhiễm ADN của người làm xét nghiệm. Có những mẫu xét nghiệm phải làm đi làm lại mấy lần mới ra được kết quả đúng.
Công việc xét nghiệm ADN để xác định danh tính cho các hài cốt liệt sỹ đòi hỏi phải rất chính xác và công phu
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc nhầm lẫn hài cốt hay xét nghiệm để xác định ADN cho hài cốt liệt sỹ bị sai kết quả là điều rất dễ xảy ra. Một phần là do quá trình quy tập không xác định chính xác dẫn đến nhầm lẫn và một phần là do công tác xét nghiệm ADN làm thiếu cẩn thận.
Bà Nga dẫn chứng: “Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ là rất quan trọng. Song có lúc công tác này có nơi làm chưa đúng quy trình nên dẫn đến nhầm lẫn. Tôi lấy ví dụ như chúng ta quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Lào và Campuchia, nhiều khi chúng ta nhờ người dân bản địa đào mộ để quy tập vì họ là nhân chứng.
Song, lúc quy tập, nhiều hài cốt quá mà họ lại đánh dấu rất đơn giản như kiểu mộ này thì đặt cành cây làm dấu hiệu, mộ kia thì đặt hòn đá… sau đó thì mới đối chiếu với danh sách của đơn vị quy tập, nên đã dẫn đến nhầm lẫn.
Sự nhầm lẫn là khi đưa về nghĩa trang quy tập, có khi hài cốt người này nhưng nhầm sang tên người kia, hoặc có nhiều người không xác định được danh tính. Hiện nay số lượng các ngôi mộ vô danh vẫn rất nhiều”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau từ cuộc chiến vẫn còn ở lại. Đâu đó nơi thượng nguồn con sông, nơi ngọn núi, nơi miền biên giới, hay trong các khu rừng nhiệt đới của nước bạn Lào, Campuchia, còn biết bao bộ hài cốt của các liệt sỹ đang chờ được đồng đội tìm thấy, đưa về và xác định tên tuổi để các anh được đoàn tụ với người thân, với đồng đội sau bao nhiêu năm xa cách. Và, cùng với đó là những đồng đội, những con người làm công việc thầm lặng, song lại mang ý nghĩa vô cùng lớn lao: tìm và trả lại danh tính cho các các liệt sỹ.
LƯU THỦY/ VTC.vn - 26/07/2017