Vào khoảng tháng 3 năm 2016, báo chí và tin tức trên mạng đã rất xôn xao về vụ “Nhầm con sau 42 năm”. Qua đó tôi được biết được tên tuổi của người mẹ đã nhận nhầm con cũng như tên tuổi của người con đã bị trao nhầm. Bà mẹ là Nguyễn Thị Mai Hạnh và cô gái là Tạ Thị Thu Trang. Bà Hạnh đã cho báo chí biết là mấy tháng trước bà đã đi xét nghiệm quan hệ mẹ - con với chị Trang để khẳng định lại một lần nữa về cảm nhận nuôi nhầm của bà sau hơn 40 năm. Kết quả xét nghiệm ghi rất rõ ràng rằng: “Chị Trang không phải là con đẻ của bà Hạnh”. Dò theo tên của hai nhân vật chính tôi đã tìm ra đúng tên tuổi và năm sinh của bà Hạnh và chị Trang. Thì ra bà Hạnh đã đến Trung Tâm Phân tích ADN (CGAT) cùng với mẫu tóc của chị Trang. Tôi còn nhớ hôm đó tôi đang ngồi làm việc trong phòng giám đốc thì nghe có tiếng khóc nức nở ở phòng trả kết quả bên cạnh, tôi liền chạy sang. Một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn ngồi cạnh một cô gái rất giống bà (sau này tôi mới biết đó là chị Tạ Thị Thu Vân, con gái cả của bà). Đợi bà ngừng khóc tôi nhìn chị Vân và nói:
- Trông chị giống mẹ thế mà không phải là con ư?
Chị Vân liền trả lời buồn bã:
- Người con trong tờ kết quả này không phải là cháu mà là em gái cháu. Kết quả này chứng tỏ em cháu đã bị trao nhầm ở Bệnh viện cách đây hơn 40 năm cô ạ. Mẹ cháu đang đau xót lắm.
Người mẹ tiếp lời chị Vân, bà nói trong nước mắt:
- Như vậy là đứa con ruột của tôi đã tuột khỏi tay tôi từ khi mới lọt lòng. Không biết giờ đây số phận của nó ra sao? Có được yêu thương không? Có được hạnh phúc không? - Bà nghẹn ngào: “Sinh ra con mà chưa một lần nhìn thấy con, chưa một lần được ôm con vào lòng”.
Tôi im lặng chờ bà kể tiếp:
- Tôi đã để tuột mất con một lần và vừa rồi, có thể tôi đã lại để mất con thêm một lần nữa chị ạ. Ngay từ khi bế con từ nhà hộ sinh về tôi vẫn luôn băn khoăn sợ đã bế nhầm con. Cháu Trang càng lớn càng không giống ai trong gia đình tôi, vì vậy tôi vẫn âm thầm tìm kiếm con. Cách đây đã 20 năm rồi, tôi gặp một cô gái trạc tuổi cháu Trang bước vào quán cơm của tôi (lúc đó tôi đang là chủ của một quán cơm), tôi nhìn cô gái mãi và cảm thấy cô gái thân thiết như là con gái ruột của mình, bởi vì cô gái rất giống tôi. Tôi tiếp cận và làm quen rồi biết được nơi cô đang sinh sống. Ngay sau đó, tôi đã tìm đến nhà cô gái. Sau một hồi chuyện trò làm quen, hỏi han qua lại, tôi được mẹ cô cho biết là bà không sinh ở nhà hộ sinh mà tôi đã từng sinh năm đó. Tôi thất vọng trở về. Nhưng không hiểu vì sao sau đó cô gái lại đến quán cơm tìm tôi, hình như cô muốn nói điều gì. Còn tôi chỉ tiếp chuyện bình thường, không tìm hiểu thêm gì chuyện nhầm con. Sau đó, tôi cứ luôn nghĩ đến cô gái và lại quyết tâm đến nhà cô ta một lần nữa. Nhưng buồn thay, cả nhà đã chuyển đi nơi khác. Lẽ nào do tôi đã không tìm hiểu kỹ hơn nên đã để tuột con một lần nữa? - Bà Hạnh lại nấc lên trong sự nuối tiếc.
Tôi an ủi bà Hạnh:
- Nếu chị gặp lại cô gái ấy, hãy xin cô ta 2-3 sợi tóc, tôi sẽ xét nghiệm miễn phí cho chị. Dữ liệu ADN của chị tôi sẽ lưu lại đây để sau này, nếu cần, chúng tôi sẽ giúp chị.
Bà Hạnh cảm ơn và ra về.
Cho đến bây giờ thấy bà Hạnh đăng tin tìm con, tôi mới thật sự hiểu hết câu chuyện của bà. Tôi gọi cho chị Vân mong muốn sẽ cùng cả cộng đồng này góp sức tìm em gái ruột cho chị và tìm ra bố mẹ ruột cho chị Trang. Tôi sẽ xét nghiệm cho tất cả những người liên quan đến vụ tìm kiếm của gia đình chị với thời gian nhanh nhất và sẽ không thu lệ phí.
Ngày 10/10/2015 bà Hạnh đã gửi đơn đề nghị khẩn thiết đến ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng thời gửi đơn tìm con thất lạc đến sở Y tế Hà Nội, rồi gửi đơn đến bộ trưởng bộ Y tế trình bày sự việc. Bà còn nhờ các con đăng tin trên mạng xã hội và nhiều trang rao vặt khác để tìm kiếm con gái ruột cho bà và cha mẹ ruột cho con gái nuôi.
Cách đây 42 năm, bà Hạnh sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Để tránh nhầm lẫn, đứa trẻ sau khi sinh và người mẹ được viết bằng bút mực cùng một con số vào chân. Bà Hạnh được đánh số 33 nhưng trong lần cho con bú đầu tiên, bà phát hiện trên chân con mình lại đánh số 32. Nghĩ đã bị trao nhầm con, bà bảo các nhân viên hộ sinh bế cháu bé số 32 đi kiểm tra lại và tìm cháu số 33.
Nhân viên nhà hộ sinh đi tìm vài bé nhưng không thấy và nói với bà Hạnh rằng: “Đây chính là em bé số 33, nhưng khi đi tắm mực ở chân cháu bị mờ”. Linh cảm đứa trẻ không phải là con mình, bà tâm sự với chồng, ông ngạc nhiên bảo: “Vừa đi đẻ về sao lại nói đứa trẻ không phải là con mình”. Thời đó y học chưa phát triển, phương tiện thông tin cũng không nhiều như bây giờ, bà Hạnh đành đưa con về nhà nuôi với nỗi hoài nghi…
Trang càng lớn càng không giống với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Khi Trang được một đến hai tháng tuổi, nhiều người ác miệng nói bà Hạnh “không chung thủy với chồng”, nhưng bà vẫn im lặng.
Năm Trang được 22 tuổi, bà Hạnh một mình đi xét nghiệm ADN. Kết quả dù đã linh tính trước nhưng không khỏi làm bà đau xót: chị Trang không phải con ruột của ông bà. Biết sự thật ấy nhưng vì thương con, bà Hạnh vẫn âm thầm giấu kín mọi việc. 12 năm trước, chồng bà qua đời vẫn không biết bí mật ấy.
Chưa tin vào kết quả xét nghiệm ADN từ 20 năm trước, tháng 10/2015 bà Hạnh lại âm thầm đi xét nghiệm ADN một lần nữa. Và kết quả vẫn như trước đây: Trang không phải là con ruột của ông bà. Sau những ngày suy nghĩ, dằn vặt, đúng ngày sinh nhật của Thu Trang tròn 41 tuổi, ngày 10/10/2015, bà Hạnh quyết định nói sự thật cho chị Trang và các con biết với mong muốn tìm lại được con gái ruột và chị Trang cũng có cơ hội tìm lại được bố mẹ ruột của mình.
“Con không cần biết ai là bố mẹ ruột của con cả, con chỉ biết có mẹ Hạnh, biết gia đình này thôi!”
Chị Trang kể đã bị sốc thật sự và nhắc đi nhắc lại câu nói ấy sau khi nghe mẹ kể sự thật. Chị lo lắng: “Nếu người con gái ruột trở về, cô ấy sẽ nhận mẹ và các anh chị em, chị sẽ ra sao đây?”. Nhưng người mẹ đã nuôi chị 42 năm nhắc chị phải vui lên, nếu tìm được bố mẹ đẻ của mình thì con sẽ có thêm một gia đình. Còn sự thật mãi mãi không thay đổi là mẹ vẫn là mẹ của con, vẫn yêu thương con. Sau khi bình tâm lại, chị nhận ra tình yêu thương của cả gia đình dành cho mình vẫn nguyên vẹn, chị nhớ lại suốt 42 năm qua bà Hạnh đã hết lòng nuôi dạy chị nên người. Chị bảo, chị nhận ra “mình đã ích kỷ với mẹ nhiều quá!”. Và chị cũng âm thầm nhận ra rằng nếu tìm được cha mẹ đã cho chị hình hài, chị sẽ có thêm một gia đình. Còn con gái thật của mẹ Hạnh cũng sẽ được về với mẹ và các anh chị em ruột thịt.
“Khi tôi còn nhỏ, có người nói tôi là con được nhận nhầm ở nhà hộ sinh, tôi khóc chạy về nhà hỏi mẹ. Mẹ tôi cương quyết: “Đứa nào nói bậy bạ như vậy, để mẹ tìm đến nhà mắng cho một trận”. Người ta bảo tôi: “Con gái gì mà không giống mẹ”, mẹ tôi vội thanh minh: “Nó giống bố, giống dì nó”. Tôi hỏi: “Sao con lại không xinh đẹp như mẹ và hai chị em gái của con”, mẹ tôi hỏi lại “Ai nói con xấu, con mẹ xinh lắm mà!”. Từ nhỏ đến giờ, mẹ đã làm mọi thứ để tôi tin tưởng rằng mình là con ruột của mẹ. Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại việc mẹ bảo muốn nói ra sự thật để thanh minh cho gia đình bên nội và mọi người hiểu mẹ không lăng nhăng, tôi lại càng thấy thương mẹ nhiều hơn… Chị Trang tâm sự: “Trong nhà, tôi là đứa làm mẹ lo lắng nhất. Cho đến bây giờ mẹ vẫn lo cho tôi từ miếng ăn giấc ngủ. 42 tuổi rồi tôi vẫn chưa đền đáp cho mẹ được ngày nào. Các con ruột của mẹ mỗi người đi lập nghiệp một nơi, dì út đã sang tận Vương quốc Anh nhưng riêng tôi và chị Vân vẫn lập nghiệp ở ngôi nhà này, không đi đâu từ bé tới giờ”.
Nước mắt chị Trang tuôn rơi khi nhắc về bà Hạnh.
Thông tin tìm lại con sau 42 năm bị thất lạc của gia đình bà Hạnh được đăng tải khắp trên các báo mạng. Cả cộng đồng chung tay giúp hai mẹ con bà Hạnh tìm lại người thân. Các cơ quan chức năng của bộ Công an, bộ Y tế cũng tích cực vào cuộc. Nhưng mãi mà vẫn không có tin tức gì. Bà Hạnh lúc đó đang có việc ở bên Anh quốc. Bà thường không ngủ được vì luôn luôn mong ngóng tin nhà. Thương mẹ nuôi quá, chị Trang gọi điện an ủi động viên mẹ với những lời yêu thương khi thấy bà quá lo về số phận của đứa con thất lạc: “Mẹ yêu con như thế, mẹ đã ban cho con nhiều tình yêu như thế thì ông trời sẽ không phụ lòng mẹ. Con gái ruột của mẹ cũng sẽ được người ta yêu thương chăm bẵm như mẹ đã yêu thương con”.
Trong lúc gia đình bà Hạnh đang thất vọng vì ngày đêm mong ngóng mà chẳng có kết quả gì, thì ngày 12/3/2016 có một người phụ nữ gọi điện cho chị Vân. Người phụ nữ này cho biết, có thể chị đã là người con bị trao nhầm hồi đó, bởi vì chị cũng sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày với Thu Trang và cũng được sinh đúng nhà hộ sinh đó. Và một điều đặc biệt khiến chị càng tin vào suy đoán của mình đó là chị có một người em gái giống hệt Thu Trang. Và nhìn ảnh của Thu Trang chị thấy Thu Trang cũng rất giống cha của chị, trong khi chị lại không giống bất kì ai trong gia đình của chị. Người phụ nữ hẹn ngày mai sẽ liên hệ lại. Tuy nhiên suốt ngày hôm sau chị Vân không tài nào liên hệ được với số điện thoại nói trên. Chị Vân cảm nhận: “Chắc đó là cú sốc đối với người phụ nữ kia nên chị đã tắt máy”.
Ít ai biết rằng, thời gian người phụ nữ tắt máy là lúc chị đã âm thầm đến Trung tâm ADN và xin xét nghiệm ADN với bà Hạnh. Vì như trên tôi đã nói, dữ liệu ADN của bà Hạnh tôi vẫn lưu. Sau vài giờ đồng hồ làm xét nghiệm, chị đã biết chắc chắn rằng chị không phải là con bà Hạnh. Chị đã khóc rất nhiều. Chị hoang mang lo lắng đến thân phận kẻ không cha không mẹ sau này.
Trong khi cả nhà chị Vân đang tràn trề thất vọng thì bỗng nhiên chiều muộn, người phụ nữ “lạ” lại chủ động gọi lại và cho địa chỉ nơi chị đang sống. Giọng chị rất bồi hồi, xúc động và nghẹn lời.
Chỉ chờ có vậy, vợ chồng chị Vân và vợ chồng chị Trang tức tốc phóng sang nhà người phụ nữ này ở Đông Anh. Người phụ nữ này tên là Đặng Thị Dần. Là người sinh cùng nơi, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày với chị Thu Trang. Tại nhà chị Đặng Thị Dần, họ gặp em gái chị là Đặng Thị Ngọ. Nhìn chị Trang và chị Ngọ ngồi cạnh nhau ai cũng phải kinh ngạc vì sự giống nhau như đúc của hai người này. Giống đến nỗi chính chồng của chị Trang phải thốt lên: “Trang và Ngọ như 2 giọt nước”. Chính vì vậy tất cả đều mừng rỡ. Họ quên mất rằng có một người đang vô cùng hoang mang và đau khổ. Đó là chị Đặng Thị Dần. Mới hôm qua chị Dần đã xét nghiệm ADN với bà Hạnh và biết chắc mình không phải con bà Hạnh rồi. Nếu bây giờ chị Trang là con của bố mẹ chị thì chị sẽ là con của ai đây? Chị sẽ thành kẻ không cha không mẹ ư? Chắc là thế rồi, vì ngay cả bố chị là ông Đặng Thế Được cũng phải công nhận là chị Trang quá giống với ông và giống cả đứa em gái ruột của chị Dần. Trong khi đó chị Dần thì chẳng giống ai trong gia đình mình. Ông Được còn thốt lên: “Thế này thì không cần phải xét nghiệm ADN nữa. Con đúng là đứa con thất lạc của bố rồi”. Còn chị Trang thì đinh ninh là mình đã tìm được bố mẹ đẻ.
Nhưng dù sao cũng phải xét nghiệm ADN để khẳng định chính xác 100% về các mối quan hệ. Chị Dần rất lo lắng, hồi hộp về kết quả xét nghiệm ADN lần này. Chị đã mất ngủ nhiều đêm và khóc rất nhiều khi nghĩ đến kết quả: Chị sẽ không phải là con của ai cả. Thật kinh khủng! Tuy vậy, chị vẫn dũng cảm chấp nhận đi xét nghiệm ADN theo nguyện vọng của mọi người. Chiều 14/3/2016, cả gia đình chị Dần sang nhà chị Vân và tất cả thống nhất đến Trung tâm ADN (CGAT) để làm xét nghiệm.
Họ đến Trung tâm chúng tôi lúc chiều muộn, Trung tâm sắp đến giờ đóng cửa. Chúng tôi tiến hành lấy mẫu của chị Trang và ông Được (bố chị Dần) để xác định quan hệ cha con giữa họ. Riêng chị Dần đã có dữ liệu ADN ngày hôm qua ở trung tâm rồi, chúng tôi chỉ việc so sánh với dữ liệu của bố chị. Tại đây tất cả chúng tôi đều kinh ngạc vì sự giống nhau như chị em sinh đôi giữa chị Trang và chị Ngọ. Và chúng tôi cũng nghe ông Được, bố chị Ngọ nói với chị Trang: “Con chắc chắn là con gái của bố rồi, xét nghiệm ADN chỉ là để khẳng định lại 1 lần nữa thôi…” Sau đó ông quay sang nói với chị Dần: “Con cũng vẫn là con gái của bố mẹ và bố mẹ vẫn coi con là còn đẻ như từ trước đến giờ, con đừng buồn, đừng khóc nữa con nhé”.
Sáng hôm sau, ngày 15/3/2016 chúng tôi bắt tay ngay vào việc phân tích mẫu ADN cho ca này. Trong khi phòng thí nghiệm của Trung tâm đang làm việc rất khẩn trương thì ở phòng tiếp khách của tôi rất nhiều các nhà báo trẻ đang ngồi đợi kết quả xét nghiệm. Họ cũng như tôi đều mong chờ một kết quả mà mỗi người có một tâm tư khác nhau. Còn với tôi, thực sự tôi không biết mình mong muốn kết quả này sẽ như thế nào là hay. Bởi nếu kết quả chị Trang đã tìm được cha mẹ thì thương cho chị Dần quá, mà ngược lại thì lại buồn cho chị Trang quá. Thôi thì, cứ để sự thật thế nào ta đành chấp nhận thế thôi. Tôi cũng được biết lúc này tại nhà chị Vân mọi người trong gia đình chị cùng rất nhiều nhà báo cũng đang nóng lòng chờ kết quả xét nghiệm.
Gần 11 giờ trưa, mọi người được thông báo kết quả. Theo đó, chị Tạ Thị Thu Trang không phải là con đẻ của ông Đặng Văn Được. Và chị Đặng Thị Dần chính xác là con đẻ của ông Được. Đây là cái kết rất tốt đẹp đối với chị Dần. Mọi sự hoài nghi lo lắng trong chị và gia đình của chị đã được trút bỏ hoàn toàn. Từ giờ, chị mới thực sự yên tâm trở về với cuộc sống bên người thân mà không phải lăn tăn vì sao mình lại có ngoại hình khác biệt với bố mẹ mình.
Đúng là cuộc sống thật muôn màu, muôn vẻ và luôn luôn có những bất ngờ. Những người giống nhau như đúc như chị Trang, chị Ngọ thì chẳng phải chị em gì trong khi chị Dần khác hẳn cha mẹ đẻ của mình mà lại chính là con đẻ của họ.
Hiện giờ, qua chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV1 chúng tôi vui mừng được biết, cuộc tìm kiếm đã thành công. Chính người con ruột của bà Hạnh đã tìm về với mẹ. Chỉ bằng một lời nhắn ngắn ngủi của người con thất lạc năm xưa bà Hạnh đã lịm đi vì hạnh phúc: "MẸ ƠI, CON ĐÂY RỒI". Và thế là mẹ con họ được đoàn tụ. Bà Hạnh ôm con vào lòng. Cái ôm mà bà khao khát bao năm trời cuối cùng cũng được thực hiện. Còn chị Trang cũng nhờ đó mà tìm được bố mẹ mình. Lần đầu tiên nhìn thấy cha và em gái tại sân bay Đà Nẵng, chị cảm nhận ngay đó là ruột thịt của chị. Mọi cảm xúc như vỡ òa trong chị, đặc biệt là khi gặp lại người mẹ thân yêu của mình.
Mẹ ruột chị Trang – người phụ nữ nhầm con với bà Hạnh cho biết: bà bế đứa con số 32 về vì bà được đánh số 32. Bà không biết rằng chị Trang lúc đó cũng được đánh số 32, còn bà Hạnh thì mang số 33. Bà không phát hiện ra sự nhầm lẫn này cho đến khi biết câu chuyện đi tìm lại đứa con bị trao nhầm sau 42 năm của bà Hạnh. Như vậy, sự nhầm lẫn này xảy ra do hai bé cùng sinh một lúc bị đánh dấu trùng nhau - số 32, trong khi một mẹ mang số 32 và một mẹ mang số 33.
Bây giờ, chị Trang trở nên đặc biệt hơn mọi người vì được sống trong tình yêu thương của hai người bố và hai người mẹ. Họ đều rất yêu quý chị. Còn bà Hạnh sau khi tìm lại được con và biết con bà đang có một cuộc sống êm ấm, bà cảm thấy rất mãn nguyện.
Cuối cùng, mọi việc đã kết thúc tốt đẹp. Thật khó để tìm được một câu chuyện cổ tích giữa đời thường như vậy!