Tuổi thơ nghèo và hay nghịch

 Sinh ra giữa lòng Hà Nội, tại phố Hàng Cân, nhưng ngay những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi đã theo bố mẹ, ông bà nội tản cư lên chiến khu Việt Bắc, khi mới hơn 5 tuổi. Chiến tranh, loạn lạc, nhưng với tôi mọi việc tỏ ra đơn sơ, thậm chí hấp dẫn, gây ham mê tìm tòi, nghiên cứu. Lớn lên và học tập trong rừng sâu Việt Bắc, ước mơ cũng đơn giản, sở thích càng đơn giản hơn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc bút bi từ “trong Thành gửi ra”, mà thời đó không hiểu sao lại gọi là “bút nguyên tử ”, nghe đến khiếp!. Trong chiếc bút có hình cầu Long Biên nhỏ xíu, nhưng tuyệt đẹp. Tôi luôn “mơ thấy về Hà Nội”, mà sau này, đúng là ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Trên chiến khu nhà tôi ở trên một quả đồi trồng sắn. Quả đồi bên kia, cách vài trăm mét, là nhà bạn học cùng lớp 2. Chúng tôi đã làm một cái “điện thoại trực tuyến” bằng dây chỉ, da ếch và ống nứa. Cũng nghe thấy nhau, mặc dù rất nhỏ. Một lần thấy cây sắn trồng bên nhà vệ sinh củ to bằng bắp chân, tôi quyết tâm trồng một cây khác trên đỉnh đồi, hàng ngày chăm sóc tưới tắm chu đáo, tin chắc sẽ có củ sắn to hơn, nhưng kết quả thật buồn: cây sắn cứ tàn lụi dần và … chết!.

Khi học cấp II, tôi suốt mấy ngày loay hoay làm cái “rađiô galen”, tai nghe tự cuốn dây lấy, còn cục galen được tạo ra bằng chì và lưu huỳnh đốt nóng chảy. Thế là đêm đêm được nghe ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuổi trẻ có bạn nào không thích nghe nhạc. Mà sao hồi đó âm nhạc hay thế, đến bây giờ nghe lại những bản nhạc đó, bài hát đó vẫn rất hay.

Học lớp đầu cấp III, tôi và một anh bạn cùng lớp rủ nhau làm một cái biến thế nặng bốn người khiêng, để hàn điện. Thế là đêm đêm, dùng đường tàu điện Hàng Bột, bây giờ là phố Tôn Đức Thắng, làm đe, dùng thùng tôn hỏng chặt ra làm lõi sắt, rồi quấn vải vụn quanh những đọan dây điện nhặt nhạnh được. Cuối cùng, sau nhiều tuần cũng hoàn thành “công trình”, và một phần thưởng lớn bất ngờ đã đến với chúng tôi: chúng tôi được chụp ảnh chung với thầy chủ nhiệm lớp.

Bước ngoặt định mệnh

Duyên nợ đưa tôi đến với lĩnh vực di truyền học rất tình cờ. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, tôi được may mắn lựa chọn đi học nước ngoài, ngành toán học, vì cả thời gian cấp III tôi làm trưởng bộ môn Toán. Sau khi học chuyên ngữ tiếng Nga một năm ở Gia Lâm, do thiếu người đi học sinh học, đột nhiên tôi “bị” chuyển sang học Sinh học trước khi lên tàu đi nước ngoài, vì lý do: tôi có điểm tổng kết môn Sinh vật học cao, mặc dù lúc đó tôi rất không thích học môn này, nhưng đã trót được điểm cao, làm sao được! Thế là sau đó vài tuần lễ, tôi thực sự bị choáng kéo dài, đêm nào cũng trằn trọc, mỗi khi thức giấc tôi đều bâng khuâng không hiểu mình là ai và đang tồn tại trong thế giới nào?! Tất nhiên, một phần do tôi chưa đủ hiểu biết cơ bản về các ngành học. Nhưng phần chính là do môn Sinh học lúc đó quá tẻ nhạt, nặng về học thuộc lòng, điều tôi rất không thích. Sau này, khi học đại học hai năm đầu ở Liên Xô, những lần phải học thuộc tên Latinh của từng cái lá, cái hoa, hay phải học thuộc những cái lỗ xương mà mỗi sợi dây thần kinh chui qua là cơn choáng lại kéo đến làm khổ. Cũng may, chuyên ngành của tôi lại là Di truyền học, nhưng môn này phải đến năm thứ ba mới được học. Và một cái may nữa là tôi lại được học Di truyền học ở Leningrad, chứ không phải ở Mátxcơva. Đại học Tổng hợp Leningrad là trường duy nhất lúc đó ở Liên Xô được quyền dạy theo chương trình riêng của mình, không phải theo chương trình của Bộ Đại học Liên bang. Do vậy, tôi được học Di truyền học chính thống ngay từ khi còn ngự trị môn Di truyền học sai lầm của Lưxencô trên toàn Liên Xô và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác, kể cả nước ta. Đây có lẽ là “cái may” lớn nhất trong đời tôi.

“Thời thanh niên sôi nổi”

Sau năm thứ nhất học đại học tôi bỗng nhiên được hưởng một kỳ nghỉ hè miễn phí tại Bacu, thủ đô của Azerbaizan. Số là mùa hè năm ấy một ông kỹ sư từ Bacu đến họp tại trường đại học tôi đang học. Giờ nghỉ ông đến gặp tôi khi đang ăn trưa, bảo rằng thấy ảnh tôi là người ngoại quốc duy nhất trên bảng danh dự của nhà trường, bảng này dành cho những sinh viên thi được toàn điểm 5, điểm cao nhất. Và vì vậy, tôi được ông mời về nghỉ tại thành phố của ông cùng gia đình. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở do ông chi trả. Hội đồng hương sinh viên Việt Nam tại thành phố đồng ý cho tôi đi. Thế là tôi được hưởng một kỳ nghỉ thú vị đầu tiên trong đời tại nước ngoài. Đi chơi, tìm hiểu phong tục của người Azerbaizan. Có thời gian đọc các pho truyện và tiểu thuyết nổi tiếng của hai nhà văn cùng họ là Lev Tolstoi và Alexei Tolstoi. Đến bây giờ, mọi thứ vẫn hiện rõ trong tôi như mới ngày hôm qua vậy. Phần thưởng này đã động viên tôi đạt toàn điểm 5 cho tất cả các môn đại học. Nhưng nó thật quá đáng vì làm mất quá nhiều thời gian dàn trải cho tất cả các môn học. Không tập trung được cho cái mình cần. Nay xem lại, chỉ khoảng 30% cái đã học tỏ ra hữu ích.

Một kỷ niệm nữa là lần tôi vào thi môn “Phân tích di truyền”, sau khi nhận được điểm cao nhất như các môn học khác, giáo sư Fedorov, người phụ trách môn học, quay ra nói với các sinh viên có mặt: “Hắn sẽ trở thành giáo sư của Việt Nam”. Lúc đó, tôi nghĩ ông chỉ động viên thôi, nhưng không ngờ, sau này điều ông nói đã trở thành sự thật!”.

            Về nước, suốt hơn 40 năm, giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi nhiều năm là chủ nhiệm Bộ môn Di truyền học của trường và sau đó đảm nhiệm nhiều chức danh như: Phó chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Di truyền học và ứng dụng. Tôi cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Công nghệ sinh học thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản quốc gia, Ủy viên Ủy ban Đạo đức sinh học quốc tế của UNESCO, đại diện của Việt Nam tham gia soạn thảo trong năm năm Nghị định thư Cartagena của Liên hợp quốc về quản lý sinh vật chuyển gen …

            Những ngày đầu về dạy học tại khu sơ tán Bắc Thái thật khó quên. Có buổi sáng, như nhiều ngày khác, thật đói bụng. Trước khi lên lớp tôi lang thang ngoài vườn của chủ nhà cho ở nhờ, thấy quả ớt chín bèn ngắt lấy chấm muối ăn. Thế là xong bữa sáng, yên tâm lên lớp.

            Một hôm, anh bạn cùng học ở Liên Xô về và cùng là giảng viên đại học tổng hợp từ Hà Nội lên, gặp tôi hỏi: “Dạo này đời sống trên này thế nào?” Tôi nói: “Rửa bát đã cần xà phòng rồi”. Vì trước đó, mỗi bữa ăn đều không có mỡ. Ăn xong, khoắng một cái xuống suối, sạch bong, đâu cần xà phòng! Hồi đó có ai sợ mỡ máu hay béo phì như bây giờ đâu. Sướng thật!

            Ấy thế mà khi tôi sang Mỹ đi họp lần đầu, gặp các đồng nghiệp Mỹ, kể cho họ nghe là ở vùng sơ tán trong rừng rậm, không có điện, chúng tôi vẫn nuôi được ruồi dấm bằng chuối để hướng dẫn bài thực tập cho sinh viên di truyền. Họ vô cùng ngạc nhiên và khuyên tôi nên viết ký sự về “Dạy Di truyền học ở Việt Nam trong thời chiến” và dịch sang tiếng Anh. Họ đảm bảo phát hành với số bản lớn. Họ không ngạc nhiên làm sao được khi ngày nay, chính chúng ta trong thời bình sinh viên không được thực hành di truyền học đúng với nghĩa của nó. Có trường học nào trên toàn quốc còn nuôi được ruồi dấm để thực hành đâu?!

Thời @ và thời ADN

Trong hơn 30 cuộc hội nghị và hội thảo quốc tế tại 17 nước mà tôi đã dự thì Hội nghị Di truyền học quốc tế XVI (1988) tại Toronto, Canada, là một sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên công bố những báo cáo khoa học bắt nguồn từ phát minh mà sau này được Giải thưởng Nobel của Kary Mullis. Phát minh này tạo ra bước ngoặt lớn đưa Di truyền học phân tử đến với các nhà khoa học nghèo trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để nghiên cứu về ADN, nếu trước đây cần nhiều triệu đôla, nhiều năm, nhiều nhà khoa học thì nay chỉ cần một phòng thí nghiệm trang bị vài tỷ đồng với vài người là làm được. Trong đó khâu mấu chốt là khuếch đại ADN.

Năm 1990 trong chuyến đi công tác qua Mátxcơva tôi đã mua được chiếc máy khuếch đại ADN với 200 đôla tiền túi, là chiếc máy khuếch đại ADN đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2005, tôi thành lập Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền ở Hà Nội. Thế là với nước ta khi đó Di truyền học phân tử từ một khoa học mang nặng tính hàn lâm thực sự đã trở thành công cụ phục vụ thực tiễn trực tiếp. Trên qui mô toàn cầu phát minh của Kary Mullis đã nhanh chóng mở ra Kỷ nguyên ADN - Thời ADN. Từ đó công nghệ ADN trở thành kỹ thuật được sử dụng hàng ngày rộng khắp trên toàn thế giới, trong mỗi phòng thí nghiệm. Một cuộc cách mạng thật sự đã bắt đầu trong sinh học, nông nghiệp, y-dược học …

Cũng vào thời gian đó, khoảng 30 năm trước, tin học bắt đầu đi vào thực tiễn. Bản thân tôi, vì nhu cầu giao tiếp quốc tế, đã dùng internet để viết email. Vừa miễn phí, lại vừa nhanh chóng. Ngày nay thật khó hình dung được có cơ quan, doanh nghiệp nào không sử dụng tin học. Thời @ mà. Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền của chúng tôi hiện nay không thể hoạt động nổi một ngày nếu thiếu một trong hai công nghệ này: Công nghệ ADN và công nghệ @.

Trong thời đại công nghệ cao, không thể thiếu ngôn ngữ khoa học để giao tiếp. Xuất hiện hàng nghìn thuật ngữ mới trong mỗi thứ tiếng. Trong tiếng Việt cũng vậy. Cả một thời gian dài cuộc thảo luận và tranh luận về thuật ngữ gần như vô tận trong khi thực tế cuộc sống đòi hỏi rất cấp bách. Tôi thấy lối thoát là phải soạn các từ điển. Kết quả là 9 cuốn đã được xuất bản tại NXB Khoa học và NXB Giáo dục. Và có lẽ nhờ vậy mà gần như chấm dứt được cuộc tranh luận nói trên.

Nay lại một cuộc tranh cãi kéo dài nữa cũng về di truyền học, thậm chí dài hơn nhiều, mà đến nay vẫn chưa thấy có ánh sáng, dù chỉ le lói ở cuối đường hầm. Đó là về công nghệ và sản phẩm biến đổi gen. Thế giới đã sử dụng sản phầm này cả nửa thế kỷ rồi. Gần đây hơn, đầu thế kỷ XXI, các tổ chức quốc tế chính thống đã vào cuộc rầm rộ và bài bản tiến hành các khảo sát hoành tráng, đúng quy chuẩn và cùng đi đến một kết luận như nhau: thực phẩm biến đổi gen an toàn như các thực phẩm truyền thống và an toàn hơn với môi trường! Riêng Việt Nam vẫn lo sợ, lo sợ tột cùng và vô căn cứ. Phải làm gì bây giờ? Nhất là đối với các nhà di truyền học?

Lại còn tự do chuyển giới, hôn nhân đồng tính. Ác mộng đối với giống nòi và dân tộc! Trong khi nhiều nước văn minh, tiên tiến, cả ở châu Âu vẫn cấm?!

Để giải quyết lâu dài và bền vững những vấn đề xã hội nóng liên quan đến di truyền học hiện đại đề cập ở trên, cách tốt nhất có lẽ là sớm cho ra một giáo trình nhỏ về môn di truyền học. Gọi là “nhỏ” vì ngắn gọn, còn hiệu quả phải cao hơn những giáo trình khác. Đặc biệt phải hấp dẫn và có tính ứng dụng cao vì cách viết hoàn toàn khác, dựa trên những thành tựu hiện đại, giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận được môn học này một cách nhanh chóng. Tạm gọi là cuốn “Di truyền học cho người lười”. Hy vọng sẽ sớm ra mắt phục vụ độc giả xa gần. Giúp giải quyết các vấn đề xã hội “nóng” đề cập ở trên.