Quá bận rộn với công việc ngày thường, hôm nay 28 Tết, tôi bình tâm để dành thời gian sắp xếp và bố trí lại nội thất, đặc biệt là phòng khách để đón xuân.

     Ngắm bộ sa lông cũ kỹ ở phòng khách, tôi mới thấy nó xấu xí làm sao, phải thay ngay. Nhưng thay bằng cách nào bây giờ? Đi mua ư? Muộn quá rồi… sát tết quá, còn cửa hàng nào mở nữa mà mua đây. Suy nghĩ, ngắm nghía tầng trên, tầng dưới một lúc, tôi đi đến quyết định: cất bộ xấu này lên kho và chuyển bộ đẹp ở tầng trên xuống phòng khách. “Chà! Công việc nặng nhọc thế này thì phải nhờ đến đám cửu vạn thôi”. Nghĩ vậy tôi phóng xe ra đầu phố, tìm đến nơi mà thường ngày những người ngoại tỉnh vẫn ngồi chờ việc.

     Gay quá rồi, chẳng có một thanh niên nào! Họ về quê ăn Tết cả rồi. Giá như mình có ý định làm việc này sớm sớm một chút thì tha hồ mà chọn người. Ngán ngẩm quá, tôi quay xe định đi về, bỗng đâu hai phụ nữ với hai chiếc xe đạp cũ kỹ đỗ sát xe tôi. Cả hai đều chanh nhau nói :

     - Cô tìm người giúp việc phải không? Chúng cháu làm cho.

    Tôi nhìn hai người phụ nữ gầy gầy, lại không còn trẻ trung gì, tôi thấy ái ngại. Mà sao, một trong hai người này trông quen quen. Tôi lắc đầu:

     - Tôi cần hai người đàn ông khỏe mạnh. Vì đây là việc khuân vác nặng nhọc, phải lên xuống cầu thang.

     Hai phụ nữ nằn nì :

    - Chúng cháu làm được mà. Chúng cháu đã làm nhiều việc tương tự như vậy. Hôm nay ngày tết, cánh đàn ông về hết rồi, cô có tìm cũng không thấy ai đâu. Cô cứ để chúng cháu giúp cho. Chúng cháu nán lại để mong có thêm vài đồng về lo tết cho chồng, cho con. Công việc đồng áng còn vất vả gấp mấy những việc ở ngoài này, mà chúng cháu còn làm băng băng nữa là… Thôi, Cô cứ đi xe máy đi, chúng cháu sẽ đạp thật nhanh theo sau cô .

     Tôi thật ái ngại khi phải thuê họ. Nhưng nghe họ năn nỉ tôi thấy mủi lòng, vả lại tôi đang rất cần họ!

     - Thôi được, đi theo tôi, nhưng nhớ phải hết sức cẩn thận đấy.

     Tôi nổ máy chầm chậm đi trước. "Đúng là cái cô trẻ hơn là khách của trung tâm mình rồi”. Tôi vẫn quẩn quanh với ý nghĩ đó.

     Giao xong công việc cho hai cô, tôi không rời mắt quan sát họ để giúp họ không xảy ra sự cố. Họ tỏ ra nhanh nhẹn và khỏe hơn tôi tưởng nhiều. Lúc khiêng cái đi văng nặng nhất qua chỗ vòng của cầu thang, người phụ nữ nhiều tuổi hơn nói với người kia:

     - Thảo ơi, đi từ từ thôi, kẻo lại xảy ra tai nạn như chồng mày thì khổ lắm.

     Cái tên “Thảo” với hai chữ “Tai nạn” làm tôi nhớ ra người phụ nữ quen quen kia. “Đúng rồi! chị là khách hàng đã đến Trung tâm phân tích ADN của tôi”. Và tôi nhớ lại câu nói của một phụ nữ khác khi kể với tôi về em dâu của mình ‘‘Cô ta thường xuyên ra thành phố, cứ rỗi việc nhà là đi. Trước kia khi chồng cô chưa bị tai nạn, cô ta có bao giờ ra khỏi làng đâu …” 

     Hai người phụ nữ đã hoàn tất công việc. Tôi mời họ uống nước, trả công và thưởng thêm cho mỗi người vài chục ngàn gọi là mừng tuổi cho họ. Họ cám ơn tôi rồi vội vã ra đi. Chắc là lại ra đầu phố chờ việc.

      Tôi quay lên gác, giở tập hồ sơ. Quả là tôi nhớ không nhầm, người phụ nữ có trong đơn xét nghiệm là Lê Thị Thảo. Tôi vẫn nhớ hình ảnh thật tội nghiệp của chị hôm đó, khác hẳn dáng vẻ nhanh nhẹn hôm nay.

 

      Hôm đó, cả gia đình chị được một người phụ nữ đưa đến đây. Từ lúc bước vào văn phòng của chúng tôi, cho tới lúc ra về, chị chỉ cúi đầu. Hình như chị không muốn cho ai biết là chị đang khóc. Chắc chị đang rất buồn: Chị buồn vì điều gì? Vì đã có tội với chồng ư ? Vì tủi nhục ư ? Hay vì phẩm hạnh của chị đang bị tổn thương đau đớn? Chị ôm đứa con nhỏ trong tay như đang chở che cho nó. Đứng cạnh chị là cậu con trai đầu, kháu khỉnh, đáng yêu chừng năm tuổi. Còn người chồng thì khép nép ở một góc phòng, lúc ngồi lúc đứng, nét mặt vô cảm, trông thật đáng thương.

    Tất cả gia đình nông dân ấy, đều răm rắp làm theo lệnh của một người đàn bà, đó là bác của hai đứa trẻ. Chị có dáng vẻ của một người thành thị. Chị ta là người đứng ra làm mọi thủ tục cần thiết, kể cả nộp lệ phí xét nghiệm.

Sau khi hoàn tất việc thu mẫu của mọi người, người phụ nữ tỉnh thành kia bảo tất cả ra xe ngồi đợi. Người mẹ lúc này mới ngước đôi mắt nhòe lệ, ngước nhìn tôi trong giây lát để chào và lại cúi mặt lặng lẽ, bước ra. Một tay chị bế con, một tay chị dắt người chồng.

      Đợi mọi người ra khỏi, bà bác quay lại nói với tôi:

     - Tôi sẽ đến lấy kết quả. Nếu cô ấy đến chị đừng đưa nhé!

     - Đương nhiên rồi. Chị là người làm đơn thì chỉ có chị mới được nhận kết quả.

      Rồi bà ta nói, giọng đầy thắc mắc :

      - Cô ta thường xuyên ra thành phố. Cứ rỗi việc là kéo bè, kéo bạn đi. Trước kia, khi chồng cô chưa bị tai nạn, cô ta có bao giờ ra khỏi làng đâu. Thế mà từ sau ngày bất hạnh ấy, chồng thì ngơ ngơ, lúc tỉnh lúc mơ, vợ thì cứ liên tục ra Hà Nội, lúc thì theo đám đàn ông, lúc thì theo đám đàn bà.

       Tôi hỏi :

      - Thế chị có biết cô ta ra Hà Nội làm gì không?

      - Nghe nói là ra Hà Nội để kiếm tiền vì ở Hà Nội kiếm tiền dễ hơn ở quê nhiều.

       Tôi cau mày, khó hiểu :

      - Thế ra Hà Nội kiếm tiền có gì là xấu? Và vì sao mà phải đưa cả hai đứa con của cô ấy đi xét nghiệm huyết thống? Hai việc ấy có liên quan gì với nhau. Tôi thấy tội nghiệp cho cô ấy quá.

     Người đàn bà nói có vẻ thanh minh :

     - Đúng là tội thật, nhưng chị tính, chồng thì ngớ ngẩn, mà vợ lại đẻ hai đứa con kháu khỉnh như thế. Cô ta lại hay vắng nhà nữa chứ, ai mà chả nghi.

    - Nhưng theo như chị nói thì em trai chị chỉ bị ngớ ngẩn sau tai nạn chứ có phải ngớ ngẩn do bẩm sinh đâu mà con anh ấy phải ngớ ngẩn theo.

      - Đúng vậy, trước khi bị tai nạn, em tôi là một thanh niên khỏe mạnh, tháo vát và sáng dạ lắm.

      Tôi giải thích :

      - Như vậy thì sự kháu khỉnh, thông minh của những đứa trẻ là lẽ đương nhiên chứ sao lại là tội lỗi của người mẹ? Sao lại nghi oan cho người mẹ như thế ?

      Bà bác suy nghĩ một lúc rồi nói :

      -  Ở nhà quê, không phải ai cũng nghĩ được như vậy đâu chị ạ.

      -  Nhưng chị là người hiểu biết hẳn hoi. Sao chị không bảo vệ cho cô ấy ?

       Người phụ nữ lại thanh minh :

     -  Tôi làm việc này cũng để chiều theo nguyện vọng của một vài thành viên trong họ. Tôi biết, chúng tôi có thể đã xúc phạm đến cô ấy. Nhưng thôi, Không sao đâu, cứ xét nghiệm để giải tỏa những mối nghi ngờ cũng là điều cần làm chị ạ. Nếu những đứa trẻ này là con cháu của chúng tôi, chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng mẹ nó nuôi dưỡng nên người. Thú thật với chị, tôi vừa từ nước ngoài về, có ý định đưa các cháu theo tôi đi học...

 

      Thật đáng mừng, bởi kết quả xét nghiệm đã chứng minh lòng chung thủy của người vợ trẻ tội nghiệp kia với người chồng của mình, dù người chồng không còn trí tuệ bình thường như bao người khác nữa. Chị là người cam chịu và chắc chắn chị sẽ phải chịu nhiều thua thiệt về cả vật chất lẫn tinh thần. Để có được những đồng tiền chân chính nuôi con, nuôi chồng, chị đã phải lao ra thành phố làm những việc cực kỳ nặng nhọc, cực kỳ vất vả như việc hôm nay chị đã làm cho tôi.

      Vậy mà, thật đáng buồn, đáng trách, vì vẫn có không ít người thông cảm với hoàn cảnh của chị. Họ không những không thương chị mà còn nghi hoặc đủ điều, làm tổn thương đến chị. Nơi quê nhà chị, giờ này, có ai ngờ rằng chị vẫn còn ngồi đó, ở một góc phố Hà Nội, đông đúc và náo nhiệt những dòng người hồ hởi đi sắm tết. Chị đang chờ. Chờ để được làm việc, để được nhận những đồng tiền từ sức lao động chân chính của mình, vì chồng, vì con. Chị đâu phải chờ ai như có người đã từng nghi oan cho chị. Chị thật đáng được thương yêu và trân trọng… .

     Cứ nghĩ đến câu chuyện của cô Thảo, tôi không khỏi thương cảm liên tưởng đến những người phụ nữ nông thôn khác. Họ rất chịu thương, chịu khó. Họ rất yêu chồng, yêu con và luôn cam chịu. Họ đáng được chúng ta tôn trọng.