Người đàn ông này nghiên cứu rất lâu tờ kết quả xét nghiệm. Một hồi sau anh ngẩng lên ánh mắt đầy nghi hoặc, anh hỏi.
- Cả hai đứa đều là con tôi hả chị?
- Vâng phần kết luận chúng tôi đã nêu rất rõ đấy.
Anh ta nhíu mày:
- Lạ thật, tại sao là con tôi mà chúng lại không cùng nhóm máu với tôi nhỉ.Tôi vừa cùng chúng đi thử máu…
Tôi hỏi anh:
- Thế kết quả thử máu của anh và các cháu ra sao?
- Tôi nhóm máu B, con trai tôi nhóm AB còn con gái tôi nhóm O.
- Ồ! Vậy thì hai đứa này là con anh rồi, anh không phải nghi ngờ gì nữa. Nếu kiểm tra theo nhóm máu thì hãn hữu cũng có trường hợp có thể kết luận được ngay một đứa trẻ không phải là con của một ông bố, nhưng nhóm máu của anh và các con anh theo như anh nói đã không rơi vào trường hợp đó.
Thấy anh im lặng và có vẻ chưa tin, tôi hỏi:
- Anh nảy sinh ý muốn đi làm xét nghiệm ADN với các con chỉ vì chúng không cùng nhóm máu với anh hay còn vì nguyên do gì khác nữa?
Anh ta trả lời không cần suy nghĩ:
- Chỉ vì vậy thôi chứ không vì lý do gì khác. Vợ tôi không hề có biểu hiện gì để tôi có thể nghi ngờ cô ấy. Nhưng từ sau khi thử máu về tôi đứng ngồi không yên, trong lòng đầy buồn bực và nghi kỵ.
Tôi cười:
- Đàn ông các anh quá đa nghi, nhẽ ra anh phải tìm một bác sĩ hay một người hiểu biết về y học để tư vấn trước khi quyết định đi xét nghiệm ADN. Làm như thế có phải là anh đã tiết kiệm được một khoản tiền và giải quyết ngay được những khúc mắc trong lòng. Còn bây giờ anh có thể ăn ngon ngủ yên rồi. Anh về nhớ xé bỏ tờ xét nghiệm ngay đi kẻo chị nhà vớ được thì to chuyện đấy.
Nét mặt anh đã tươi lên dần nhưng anh vẫn còn hoài nghi.
- Thế nếu cha con tôi có nhóm máu hoàn toàn trùng nhau thì chắc chắn không nghi ngờ gì nữa chứ ạ?
- Không thể hiểu như vậy được, số nhóm máu của loài người trên đời này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu cứ cùng nhóm máu mà là cha con của nhau thì anh chỉ cần quờ tay một cái là đã có một đống con, biết ai là con mình, ai là con người đây, anh thấy điều đó có quá vô lý không? nó cũng vô lý như nếu không cùng nhóm máu mà khẳng định luôn là không phải cha con của nhau vậy.
Nghe tôi nói đùa như vậy, anh bật cười hiểu ra vấn đề. Nhưng rồi anh lại trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc sau, anh đưa ra một câu hỏi nghi ngờ theo hướng khác:
- Chị giải thích như thế có phải là dựa vào khoa học không?, hay vì ý nghĩa nhân đạo?
Tôi trả lời rành rọt:
- Hoàn toàn từ cơ sở khoa học, không thể có ý gì nhân đạo ở đây. Làm sao tôi có thể làm nhân đạo được khi mà tôi chưa rõ hoàn cảnh của anh ra sao. Ai biết được cái kết luận khẳng định hai đứa trẻ là con anh sẽ mang lại hạnh phúc, hay mang lại bất hạnh cho anh.Tôi ví dụ thế này anh đừng giận nhé: Nếu hai đứa trẻ kia là con của một ả cave nào đó mang đến ấn vào tay anh, bắt anh phải nuôi dưỡng khi anh đang có một gia đình hợp pháp, hạnh phúc thì anh có mong muốn một kết luận như anh đang cầm trong tay bây giờ không? Chắc chắn là không chứ?
Lúc này thái độ của anh mới hoàn toàn tin tưởng thoải mái và vui vẻ. Anh nói như vừa xin lỗi tôi vừa để cảm ơn tôi:
- Đúng là đa nghi quá hoá ngu chị ạ. Cảm ơn chị về những lời giải thích dễ hiểu của chị. Giá như tôi thành thật thổ lộ hết những bức xúc của mình với chị trước khi lấy mẫu làm xét nghiệm thì đỡ cho tôi quá. Nhưng thôi, để chị làm cho khách quan thế này cũng tốt.
Tôi cười:
- Nếu tôi biết trước trường hợp của anh, tôi sẽ khuyên anh dừng lại, đỡ tốn một khoản tiền vô ích. Còn về phía chúng tôi, không bao giờ là không khách quan, chỉ dựa vào khoa học, không có bất kỳ một yếu tố nào chi phối được.
Anh vui vẻ chào tôi rồi bước ra. Nhưng vừa ra khỏi cửa, anh đã quay ngoắt lại. Tôi chưa kịp hiểu anh còn gì thắc mắc nữa đây, thì thấy anh rút tờ kết quả đưa cho tôi và nói nhỏ:
- Chị làm ơn hủy hộ tôi tờ giấy này nhé, tôi hoàn toàn không cần đến nó.
Tôi nói:
- Anh tự tay xé nó đi thì hay hơn.
Anh làm theo tôi, rồi vứt tờ giấy vào thùng rác, anh vứt theo cả sự hoài nghi đã từng đeo bám anh suốt mấy tuần qua.