Ông Hoà quen biết Lý trong một quán hát karaoke. Bình thường không bao giờ ông lui tới những nơi này. Nhưng những lần họp bạn đồng môn thì ông cũng rất vui vẻ theo chân bạn bè vào đây.

Hàng chục người trong một căn phòng khá chật chội. Người hát, người kể chuyện khôi hài…Tiếng cười vui vang lên không ngớt.

Ông Hoà đang khua tay giữa đám bạn bè, vui như ngày tết, vô tình làm sao, tay ông chạm mạnh vào một cái khay đầy ắp bia và nước ngọt mà một cô tiếp viên đang bê tới. Một tiếng “choang”rất lớn vang lên. Toàn bộ số bia đã biến thành đống thuỷ tinh vung vãi dưới nền nhà. Lý- cô tiếp viên sợ hãi, thốt lên:

- Thôi ! chết cháu rồi!

Ông Hoà quay nhanh về phía cô gái, an ủi:

- Cháu cứ bình tĩnh, đây là sơ suất của chú, chú sẽ bồi thường toàn bộ cho cháu.

Lời nói của ông xem ra không làm cho Lý yên lòng. Lý cúi xuống nhặt từng mảnh vỡ bỏ vào khay, miệng lẩm bẩm:

- Cháu chỉ sợ bị cô chủ đuổi việc.

Ngay lúc đó, cô chủ bước đến lớn tiếng:

- Cái con bé này sao lại đoảng vị đến thế cơ chứ. Đã bảo ngồi tiếp khách cho nó nhẹ cái thân mà không chịu, cứ đòi bưng bê. Bưng bê để đổ vỡ như thế này thì nghỉ luôn cho khoẻ. Có mau lấy chổi và xẻng ra thu dọn đi không.

Rồi cô chủ đổi giọng, nhẹ nhàng nói với các khách hàng:

- Các cô tiếp viên mới vào làm việc là hay gây sự cố lắm, mong các anh chị thứ lỗi.

Lý đã tất tưởi quay ra thu dọn nền nhà, sắc mặt tái mét, nước mắt đầm đìa. Có lẽ bên trong hậu trường cô bé vừa bị thêm một trận mắng chửi nữa, nên mới phải ấm ức như thế.

Nhìn Lý khóc, ông Hoà chạnh lòng, ông lấy ví, rút ra hai trăm ngàn đưa cho Lý:

- Cháu đừng khóc nữa, ai mà chẳng có lúc sai sót. Cháu hãy cầm lấy số tiền này đền cho cô chủ. Lỗi là ở chú chứ đâu phải ở cháu.

Lý vẫn khóc:

- Nhưng chính vì lần đổ vỡ này mà cô chủ lấy cớ bắt cháu phải ngồi tiếp khách. Cháu không muốn làm việc đó.

Ông Hoà thở dài:

- Thì ra là vậy…Thôi cháu cầm tiền đi…

Lý ngần ngừ:

- Sao chú đưa nhiều vậy, một tờ là đủ lắm rồi, cháu không dám lấy của chú nhiều như thế.

Mọi người xung quanh nói xen vào:

- Chú ấy là bậc đại gia của chúng tôi đấy, cháu cứ cầm đi, đừng ngại gì cả.

Lý ngước đôi mắt ướt ướt, vẻ biết ơn nhìn ông Hoà, rụt rè đưa tay đón nhận.

Sau bữa đó cứ nghĩ đến Lý là ông lại thấy thương thương, liệu cô bé có bị ép “tiếp khách”như lời đe doạ của cô chủ không? Nếu thực như vậy thì còn gì là đời con gái của cô bé nữa.

Ông chợt nhớ rằng công ty ông đang cần một nhân viên tạp vụ, ông có thể nhận Lý về làm công việc đó nếu Lý muốn.

Thế là ông quay lại quán hát kia. Ông đề nghị cô chủ cho gặp riêng Lý. Lý vui mừng khi gặp lại người khách hàng tốt bụng. Hỏi thăm tình hình của Lý, từ sau hôm xảy ra sự cố, ông mới biết Lý thực sự có nguy cơ trở thành gái bán hoa. Lý đang tìm cách thoát khỏi nơi này nhưng chưa biết sẽ phải làm gì...

Ngay hôm ấy, sau khi kết thúc buổi trò chuyện với Lý, ông Hoà đã gặp cô chủ quán và nộp tiền bảo lãnh cho Lý ra khỏi đó. Lý vui mừng khôn tả. Đúng là có nằm mơ cô cũng không tưởng tượng nổi mình lại gặp may đến thế. Được về làm nhân viên tạp vụ văn phòng của một công ty giữa chốn đô thành, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Môi trường làm việc trong lành, chẳng bị ai quát nạt, chẳng bị ai trêu ghẹo, bờm xơm. Lý luôn thầm nhắc mình phải làm tốt mọi công việc được giao để không phụ lòng ông giám đốc.

Lý chăm chỉ siêng năng lại có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười duyên dáng nên rất được lòng mọi người. Đã có không ít anh chàng tán tỉnh nhưng cô không muốn bập vào một ai cả. Lý chỉ muốn làm việc và đau đáu một mong ước được có dịp đền đáp công ơn của ông Hoà.

Và dịp đó đã đến…

Một hôm, ông Hoà chủ động gặp Lý vì muốn nhờ Lý tìm cho một cô bé giúp ông. Vợ ông bị một căn bệnh khó chữa, vừa mới từ bệnh viện về. Bà muốn ra viện để điều trị tại gia. Lý không ngần ngại gì nói ngay:

- Chú để cháu giúp cho. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cháu thực sự nhàn rỗi, thứ bảy, chủ nhật cháu cũng chỉ quanh quẩn trong nhà trọ, buồn lắm.

Ông Hoà do dự:

- Nhưng cháu phải có thời gian vui chơi giải trí chứ?

Lý khăng khăng:

- Cháu không thích đi chơi, chú hãy để cháu giúp, cũng đồng thời chú giúp cháu có thêm thu nhập để đỡ đần cha mẹ cháu ở quê.

Nghe vậy, ông Hoà gật đầu.

Thế là từ hôm đó, Lý như con thoi qua lại giữa ba nơi: nhà trọ, công ty, nhà ông giám đốc. Không những Lý dành cả những ngày nghỉ cuối tuần cho gia đình ông Hoà mà còn tranh thủ giúp việc cho gia đình ông vào những buổi chiều ngày thường, sau một ngày làm việc ở công ty. Nào chợ búa, nào cơm nước…dọn dẹp tươm tất đâu vào đấy.

Bà Thục vợ ông Hoà rất hài lòng về Lý. Bà nói với ông Hoà:

- Cái con bé này được cả người lẫn nết, ông nên trả công xứng đáng cho nó. Ai lấy được nó chắc sẽ hạnh phúc lắm.

Ông Hoà gật đầu tán thành:

- Bà khỏi phải lo chuyện đó. Bà đã thấy tôi hẹp hòi với ai bao giờ chưa?

Lý thương bà Thục vì bà chưa già mà đã gắn cuộc đời với cái giường như vậy, tội thật. Cô không khỏi nghĩ đến ông khi mà người đàn bà của ông không còn khả năng làm vợ. Ông còn phong độ đến thế, tốt bụng như vậy, sao lại bị thiệt thòi…Những ý nghĩ lầm lỗi đã nhen lên trong lòng cô gái trẻ. Yêu ông là có lỗi với bà. Lý biết vậy nên đã cố kìm nén, cố xua đi những suy nghĩ của mình nhưng lạ thay, càng kìm nén, càng xua đuổi thì nó càng bùng lên. Ước mong được dâng hiến trong cô như thường trực từng giờ, chỉ còn chờ cơ hội.

Một buổi tối thứ bảy, sau khi lo cho bà nghỉ ngơi xong thì cơn mưa rào ập xuống. Lý có cớ nán lại nhà ông chủ. Trong thâm tâm cô mong sao cho cơn mưa kéo dài đến tận khuya. Và cơn mưa cũng đã chiều lòng người.

Tối đó, ông Hoà đã bị cuốn vào cơn cuồng si của cô gái trẻ. Phải kiêng gần vợ lâu ngày, giờ lại có cô gái trẻ tình nguyện dâng hiến cho ông như vậy, ông có tài thánh cũng không cưỡng lại được…

Tạnh mưa, Lý ra về để lại cho ông những bộn bề suy nghĩ. Ông ngồi rất lâu trên đi văng…rồi sau đó đi vào phòng bà. Cảm giác tội lỗi cứ xâm chiếm lấy ông. Ông ngồi xuống giường nắm tay bà vuốt ve nhè nhẹ. Bà thức giấc và bà cũng đang nghĩ về ông, thương ông quá. Chức năng làm vợ của bà không còn, sao bà không tự nói ra điều ấy, sao bà không bật đèn xanh cho ông đi tìm đối tượng. Giá như ngày xưa thì người như ông đã năm thê bảy thiếp. Ông chịu thiệt thòi quá.

Hai ông bà nắm tay nhau. Ai cũng thấy mình có lỗi… Họ đang nghĩ về nhau và đang nghĩ cho nhau. Cuối cùng bà cũng nói được những điều bà nghĩ:

- Mình à! Mình vẫn còn trẻ, giá như luật hôn nhân cho phép lấy hai vợ thì tốt quá…Tôi không hẹp hòi gì. Thấy mình thế này, tôi cảm giác có lỗi với mình quá. Nếu có ai thay tôi hầu hạ mình..., tôi thật lòng cảm ơn đấy.

Ông nắm chặt tay bà hơn, rồi cúi xuống hôn lên đó. Ông biết bà đang hiểu nhầm về cái cử chỉ âu yếm mà ông dành cho bà lúc này. Bà thật tốt bụng, nhân hậu và tin yêu chồng. Bà đâu có biết rằng ông vừa “ăn vụng”và cái cử chỉ âu yếm kia là biểu hiện của sự hối lỗi, thầm mong bà tha lỗi.

Những lời yêu thương của bà lúc này như trút bớt gánh nặng tội lỗi trong ông, làm ông cảm thấy nhẹ nhõm cả người.

- Thôi! Mình ngủ tiếp đi. Tôi về phòng nhé – ông âu yếm nói với bà.

Bà kéo tay ông lại:

- Mình cứ vui vẻ một chút để giải toả bức xúc nhé, nhưng nhớ đừng để lại hậu quả đấy. Ý tôi là đừng có con với người ta mà phiền phức lắm đấy.

Ông Hoà nói lảng đi:

- Thôi mình ngủ đi, đừng nói linh tinh thế.

Ngay sau bữa đó, ông Hoà chẳng hề ngần ngại truyền lại cho Lý cái điều kiện mà vợ ông đặt ra. Lý ngồi im không nói gì. Ông Hoà nhắc lại:

- Em nhớ là tôi đã có một gia đình. Tôi yêu quý vợ tôi, tôi không muốn bà ấy buồn và ốm thêm. Chúng mình phải cam kết với nhau là không có con. Điều đó phụ thuộc nhiều vào em. Hơn nữa em còn phải lấy chồng chứ.

Lý khẽ đáp:

- Em chẳng cần lấy chồng. Em chỉ yêu một mình ông thôi. Em chỉ thấy khó nghĩ vì vợ ông quá tốt bụng…

Qua ông Hoà, Lý hiểu rằng bà Thuỳ có thể tha thứ cho ông và cho cả Lý nếu bà biết chuyện giữa hai người. Nhưng giờ đây, Lý không dám nhìn thẳng vào mắt bà và không thể hồn nhiên cởi mở với bà như trước nữa. Chính vì vậy, Lý quyết định thưa với bà nghỉ việc và sẽ lập tức về quê đưa người chị họ không chồng ra giúp bà. Bà Thuý rất luyến tiếc khi chia tay Lý. Bà thông cảm với cái lý do mà Lý đã bịa ra để xa bà.

Ông Hoà đồng tình với quyết định của Lý. Không những thế, để tránh lộ chuyện, ông còn xin cho cô chuyển sang làm công việc tương tự ở một công ty khác.

Đi lại với Lý, ông Hoà không quên dành nhiều thời gian tâm sự với vợ. Ông chẳng dấu gì bà, ông cũng cho bà biết là ông đã có một cô bồ nhí sẵn sàng chấp nhận điều kiện mà bà đã nêu. Chỉ có điều ông không nói thật tên của cô bồ đó. Thỉnh thoảng Lý cũng gọi điện hỏi thăm sức khoẻ của bà.

Bẵng đi một thời gian, tự nhiên bà thấy ông có vẻ bồn chồn, ít nói hơn hẳn. Bà đoán là ông đang có tâm sự. Bà chủ động hỏi:

- Hình như mấy bữa nay mình có điều gì không ổn? Mình có thể nói cho tôi biết được không? Rất có thể tôi sẽ giúp được mình đấy.

Ông Hoà lại một lần nữa thấy mình có lỗi với vợ:

- Cô ta có bầu rồi. Tôi xin lỗi mình.

Bà Thuỳ thở dài, buồn bã và tỏ vẻ lo lắng:

- Thật thế sao? Có mỗi điều kiện đó mà hai người không chịu nghe tôi.

Nói rồi bà quay mặt đi, chắc bà đang giận ông lắm. Cả hai cùng im lặng. Mãi một lúc lâu sau bà mới lên tiếng hỏi ông, vẫn quay mặt đi:

- Thế thai mấy tháng rồi?

- Gần bốn tháng.

- Ông đã dấu tôi, hay là bây giờ ông mới biết?

- Bây giờ tôi mới biết. Cô ta mới cho tôi biết. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ấy đã uống thuốc tránh thai rồi mà vẫn bị.

Cả hai lại im lặng hồi lâu. Và bà Thùy lại lên tiếng trước:

- Thai to rồi, chắc cô ấy chẳng muốn bỏ nên mới dấu ông để đến bây giờ mới nói. Tôi thì chỉ muốn giữ cho ông mà ông không giữ được thì chịu rồi. Các con ông, rồi những người trong công ty của ông sẽ nghĩ gì? Ông liệu mà ăn nói với người ta…Thế bây giờ cô ấy ở đâu?

- Về quê rồi.

- Con cái nhà ai vậy?

Ông Hoà im lặng

Thấy ông im lặng, bà nói:

- Thôi, ông không muốn nói cũng được. Nhưng có điều này tôi muốn cảnh báo ông. Bây giờ có rất nhiều cô gái chuyên đi lừa mấy ông có máu mặt để tống tiền. Liệu cô ta có phải là một trong những cô gái đó không?

Ông Hoà vội đáp:

- Không! Cô ta không thể là loại người đó.

Bà Thuý chép miệng:

- Ông có theo cô ta cả ngày, cả đêm được đâu mà quả quyết thế. Nhưng ông nói được điều đó cũng có phần chứng tỏ cô ta đáng tin tưởng trong con mắt của ông. Bây giờ việc xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống rất chính xác. Ông hãy tìm hiểu việc này ngay từ bây giờ đi. Chúng ta cần phải biết cái thai ấy có phải là của ông không? Ít nhất ông cũng phải biết là mình có bị lừa không chứ.

Nghe vợ phân tích, ông thấy có lý. Ông khe khẽ gật đầu.

Ông chợt nhớ đến ông Phong, người bạn thân đang bí mật nuôi một bé gái ngoài giá thú mấy năm nay. “Mình sẽ rủ ông bạn đồng cảnh này cùng đi xét nghiệm ADN”

Sáng hôm sau, ông Hoà đến phòng làm việc của người bạn thân. Hai ông giãi bày tâm sự. Khi ông Hoà đặt vấn đề rủ bạn cùng đi xét nghiệm ADN, ông Phong khoái chí rỉ tai bạn nói:

- Tôi cho ông xem cái này, nhưng nhớ phải tuyệt bem đấy nhé, bem cả với vợ của ông nữa đấy. Tôi thấy ông chẳng dấu được bà ấy một điều gì.

Ông Hoà chân thật:

- Đúng thế. Ngay cả chuyện xét nghiệm ADN này cũng chính bà ấy khuyên tôi đi làm đấy. Nhưng chuyện giữ bí mật cho ông thì tôi hứa. Nào, ông định cho tôi xem cái gì thì cho xem đi, nhanh lên.

- Có ngay đây.

Nói rồi, ông Phong nhanh nhẹn tiến đến bên tập tài liệu, lôi một cuốn sách mở lấy ra một tờ giấy trắng tinh nổi bật dòng chữ “kết quả xét nghiệm ADN”trên cùng của tờ giấy là địa chỉ, điện thoại, fax, email, lại cả trang web nữa, dưới cùng là con dấu đỏ chót cùng chữ ký của giám đốc trung tâm phân tích ADN. Ông Phong chỉ vào tên mình, tên con gái ông và dòng chữ “là con”rồi nói với giọng đầy thoả mãn:

- Tôi đã đi xét nghiệm cách đây gần hai năm rồi. Phải biết để xem có nên đầu tư đúng chỗ không chứ. Con bé càng lớn càng giống tôi. Tôi yên tâm quá. Con trai có đủ rồi đang mong có đứa con gái thì lại có ngay, may thật. Cái kết quả này tôi không dám để ở nhà, bà xã mà vớ được thì chết cha cả, vì vậy tôi mới cất nó ở đây.

Ông Hoà thắc mắc:

- Biết kết quả rồi cần gì phải giữ tờ giấy lại? Thế sao ông không xé quách nó đi, để đây lỡ ai lục lọi xem được còn chết hơn.

- Ai dám lục vào đây. Phải giữ cái bằng chứng này lại chứ. Sau này chắc chắn sẽ có lúc cần đến nó. Nói dại, lỡ mình có mệnh hệ gì, con gái mình còn được phần thừa kế chứ.

Ông Hoà thán phục bạn:

- Ông lo xa thật. Tôi phải học ở ông nhiều lắm. Ông đọc cho tôi số điện thoại và địa chỉ của trung tâm đi.

Trước khi ông Hoà ra về, ông Phong còn dặn:

- Trung tâm ADN có thể xác định được quan hệ cha con ngay khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ thông qua nước ối của thai nhi. Nhưng khâu chọc ối trung tâm không làm đâu, mình phải tự lo. Hồi cô bồ của tôi có bầu, tôi cũng nóng ruột muốn biết ngay đấy có phải con của mình không nhưng tôi không tìm được nơi chọc ối. Đành phải đợi cho đứa trẻ ra đời rồi chờ khi con bé rụng rốn, cầm cuống rốn đi xét nghiệm, thật nhẹ nhàng. Có lẽ ông cũng nên làm theo cách của tôi.

Ông Hoà cảm ơn bạn:

- Cách ấy hay đấy, đường nào thì đứa trẻ cũng ra đời, chọc ối lỡ ảnh hưởng xấu đến cả mẹ cả con thì gay. Cảm ơn ông nhiều lắm

Tất cả những thông tin về xét nghiệm ADN biết được qua người bạn, ông Hoà về kể hết với vợ, trừ điều bí mật đã cam kết giữa hai người. Hai ông bà đều nhất trí đợi đứa bé ra đời.

Thời gian trôi đi, rồi cũng đến ngày đó. Ông Hoà đem cuống rốn của con đến trung tâm ADN để xác định quan hệ huyết thống với mình.

Khi có kết quả, ông cầm về đưa cho bà. Ông muốn bà là người đầu tiên xem nó. Bà thở phào nhẹ nhõm nói với ông:

- Thôi, tôi cũng yên tâm là ông không bị lừa. Ông phải có trách nhiệm với đứa bé. Ông nên đón mẹ con nó ra đây. Thuê cho nó một chỗ ở, chứ để ở quê vừa khó thăm nom, vừa không có điều kiện nuôi dưỡng, để nó ốm đau, còi cọc thì tội nghiệp cho nó. Cố gắng dấu được các con của chúng ta lâu chừng nào hay chừng ấy. Còn nếu chúng biết chuyện này, ông cứ bảo chúng đến gặp tôi, tôi sẽ có cách làm cho chúng nó hiểu và thông cảm với ông. Nhưng ông nhớ chỉ một lần này thôi đấy nhé. Nếu có lần sau, tôi mặc kệ ông đấy.

Ông cười, hôn lên trán bà nói nịnh:

- Mình yên tâm, tôi biết tội rồi, tôi thề không lặp lại một lần nữa đâu.

Bà nhẹ nhàng:

- Sau này, nếu tôi ra đi, ông rất cần người tâm sự cho đỡ cô đơn, ông có thể lấy vợ lẽ, nhưng cũng đừng nên có con nữa ông ạ. người ta đã nói rồi: “cha già thì con cọc”, rồi khổ cả mình, khổ cả con.

Ông Hoà xúc động;

-Thôi nào! mình đừng nói dại nữa. Chúng ta nói chuyện khác nhé!