Mới có bảy giờ sáng mà một khách hàng đã gọi cho tôi với giọng rất bức xúc:

Tôi đến trước cửa Trung tâm rồi, chị mở cửa cho tôi đi! Tôi muốn nói chuyện với chị. Tôi đã đến Hà Nội từ tối hôm qua nhưng biết chị không tiếp khách buổi tối nên sáng nay tôi đến sớm.

Có việc gì khẩn cấp vậy bác? Tám giờ Trung tâm mới mở cửa mà.

Thế thì tôi sẽ đợi đến tám giờ vậy. Tôi đã gọi cho chị vài lần rồi, tuy chị đã giải đáp những thắc mắc của tôi nhưng tôi chưa thông. Hôm nay tôi muốn đem các bằng chứng đến để chị hiểu hơn và hiểu cho hoàn cảnh của tôi, bức xúc của tôi và mong chị xem xét lại kết quả cho tôi.

À! Thì ra đây là ông Khải, một vị khách đã làm nóng máy điện thoại của tôi mấy ngày qua. Hôm nay tôi sẽ phải trực tiếp nói chuyện với ông, mong rằng sau đây ông không còn lăn tăn gì nữa. Đúng giờ làm việc, tôi có mặt tại trung tâm. Ông Khải tỏ ra rất mừng khi gặp tôi.

Mời ông ngồi vào bàn, tôi hỏi luôn:

Anh có điều gì chưa giải tỏa được, xin anh cứ thẳng thắn nói ra, tôi sẽ giải đáp hết cho anh.

Vâng, chị chờ tôi một chút.

Nói rồi ông hí hoáy lôi từ trong một cái cặp to với rất nhiều thứ: nào là quyển sổ tay, nào là băng ghi âm, điện thoại di động. Mỗi thứ cũng vài cái. Nhìn ông chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tôi đoán chắc là ông sẽ dùng các bằng chứng đó để phủ nhận kết quả xét nghiệm ADN mà ông đã nhận nó từ trung tâm của tôi mấy ngày trước đây.

Đây chị xem, các bằng chứng này chứng tỏ rằng năm đứa trẻ mà tôi làm xét nghiệm chỉ có hai đứa chắc chắn là con tôi, còn ba đứa kia không thể là con tôi được. Sở dĩ hai đứa mà tôi khẳng định là con vì tôi quả quyết rằng tôi luôn luôn giám sát được mẹ chúng nó từ lúc quen nhau cho đến lúc hai đứa con này ra đời.

Tôi ngắt lời ông:

Chính vì vậy mà anh dám chắc hai đứa là con của anh phải không? Tôi lại không nghĩ như vậy đâu, anh bảo luôn giám sát cô ấy, vậy anh có ở bên cô ấy 24/24 giờ mỗi ngày không?

Làm gì có chuyện 24/24 được hả chị?

Vậy thì cũng chưa chắc chắn chúng là con anh nếu anh không đi xét nghiệm. Nhưng giờ thì ADN đã chứng tỏ anh đúng. Thế còn ba đứa kia sao anh cứ khăng khăng chúng không phải là con anh?

Vâng! Cháu thứ nhất không thể là con tôi vì tôi không quan hệ gì với mẹ của nó, chúng tôi chỉ gặp nhau một lần sau đó thì không bao giờ gặp lại nữa, thế thì làm sao tôi là bố nó được.

Anh nói anh không quan hệ với người ta sao anh lại mang mẫu của con người ta đi xét nghiệm huyết thống với anh?

Vì cô ta bảo đó là con tôi!

Vậy trường hợp này tôi chẳng giải thích được đâu. Nhưng tôi phải nói để anh rõ rằng với máy móc hiện đại mà Trung tâm ADN sử dụng để xét nghiệm cho khách thì độ chính xác rất cao. Với độ chính xác này, phải tới bảy tỷ người mới có hai người trùng gen với nhau. Như vậy phải nói chắc chắn rằng anh đã trùng gen hoàn toàn với người cha thực sự của đứa trẻ. Bây giờ, dù anh có đưa nó sang tới Nhật, tới Mỹ, hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới… để xét nghiệm lại thì họ cũng khẳng định nó là con anh. Đành phải nhận thôi anh ạ.

Ông Khải im lặng.

Tôi hỏi tiếp:

Thế còn đứa trẻ thứ hai, sao anh cũng không muốn nhận nó?

Trường hợp này thì quá rõ ràng chị ạ. Sau khi lấy mẹ nó, tôi mới phát hiện ra thành tích bất hảo của cô ấy. Tôi đã theo dõi và thấy cô ta có rất nhiều tình nhân, lăng nhăng với đủ loại người.

Nói rồi ông chỉ vào đống điện thoại và đống băng ghi âm ông mang theo.

Bằng chứng nó lù lù ra đây chị này, chị cứ xem đi…

Tôi xua tay:

Tôi xin lỗi, tôi thực sự không muốn xem và cũng không có thời gian để xem. Vả lại tôi không phải là quan tòa để phán xét sự việc theo bằng chứng. Tôi chỉ làm khoa học và cụ thể tôi chỉ dựa vào các mẫu vật mà anh yêu cầu xét nghiệm để cho ra kết luận. Anh đã lấy lí do là cô ta chung chạ với quá nhiều người nên đứa trẻ sinh ra là con của ai đó chứ không phải là con của anh. Nhưng anh nên hiểu rằng đứa trẻ nào thì cũng phải có một người cha sinh học. Một khi bào thai đã hình thành thì không ai có thể thay thế vị trí của người cha đầu tiên đã được xác định, cho dù sau đó người mẹ mang thai có quan hệ với bao nhiêu người đàn ông khác nữa.

Ông Khải lại im lặng.

Đúng lúc đó, có một vị khách đến nhận kết quả. Vừa bước vào cửa ông cất tiếng chào tôi và hỏi:

Chị ơi! Liệu lần này có tin vui cho tôi không chị?

Tôi đáp:

Tôi cũng không nhớ được. Mời anh sang bàn bên để nhận kết quả.

Tôi quay sang ông Khải, chỉ vào vị khách vừa đến và nói nhỏ đủ để ông Khải nghe được:

Vị khách này đã đến đây lần thứ tư đấy anh ạ. Ba lần trước, mỗi lần anh ta xét nghiệm với một đứa con nhưng lần nào kết quả cũng “không là phải con”. Anh ta buồn lắm nên rất mong chờ tin tốt lành từ kết quả lần này…

Tôi lại tiếp tục câu chuyện với ông Khải:

Vẫn còn một đứa nữa. Tại sao anh khẳng định nó không thể là con của anh?

Ông Khải cúi xuống đống sổ sách mang theo. Ông lật đi lật lại hết trang giấy này đến trang giấy khác, rồi cầm một tờ giấy ra chỉ vào các con số ghi rất cẩn thận và nói:

Chị xem đây, ngày tôi gặp cô ấy lần đầu với ngày cô ấy sinh ra đứa bé này không đủ chín tháng. Điều đó chứng tỏ là cô ta đã cùng ai đó trước khi đến với tôi.

Chỉ vì lý do đó thôi ư ? - Tôi hỏi.

Vâng ạ. Người ta bảo mang thai phải đủ chín tháng mười ngày thì mới sinh mà chị.

Thế anh không hề biết là có nhiều trường hợp sinh non à? Thậm chí có nhiều phụ nữ mới mang thai chưa đầy tám tháng đã sinh rồi.

Ông Khải lí nhí:

…Vâng …Vâng tôi có biết nhưng …nhưng tôi không nghĩ trường hợp này lại rơi vào cô ấy! Vì rất ít người đẻ non chị ạ.

Tôi chỉ vào một cô nhân viên của tôi và nói:

Không phải là rất ít đâu anh ạ, cô bé này sinh con cách đây một năm, mang bầu mới tám tháng đã sinh rồi. Đứa trẻ vẫn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác…Như vậy là lý do để anh phủ nhận đứa con này hoàn toàn không thuyết phục được ai.

Ông Khải im lặng không nói gì… Có vẻ như ông vẫn chưa “tâm phục, khẩu phục”.

Tôi tiếp tục:

Tôi biết anh là người rất đa nghi nhưng chân thành và biết lắng nghe, vì vậy tôi mới dành nhiều thời gian để tiếp anh. Bây giờ tôi sẽ trả lại tất cả các mẫu tóc còn thừa sau khi xét nghiệm cho anh. Nếu anh không tin vào kết quả xét nghiệm của chúng tôi, anh có thể dùng các mẫu tóc này đến xét nghiệm tại một nới khác, hoặc có thể gửi ra nước ngoài làm. Tôi chỉ nhắc anh là nên tìm nơi đáng tin cậy để khỏi “tiền mất tật mang” vì hiện nay dịch vụ xét nghiệm ADN mở ra lan tràn khắp nơi. Và tôi cũng khẳng định với anh chắc chắn rằng anh đi làm lại anh sẽ mất tiền thêm một lần nữa mà kết quả vẫn y nguyên như anh đã nhận từ Trung tâm của tôi… Anh cứ tự suy ra sẽ biết rằng việc tôi trả lại các mẫu tóc thừa cho anh cũng đủ nói lên một điều: “Chúng tôi đã cho anh một kết quả rất chính xác”.

Ông Khải im lặng, chưa nói gì. Tôi giải thích tiếp:

Anh đừng sợ chúng tôi đã tráo mẫu khác rồi mới đưa cho anh. Bởi vì nếu mẫu đã bị tráo thì đương nhiên kết quả xét nghiệm sẽ không phải là con anh. Mà không phải là con anh thì tự chúng tôi đã phản lại kết quả mà chúng tôi đã trả cho anh. Đúng không ạ?

Sau câu nói này của tôi, ông Khải xem chừng đã yên tâm. Ông quay sang quan sát người đàn ông đang chăm chú xem xét kết quả vừa nhận được. Nhân lúc đó, tôi cũng nhìn theo ông và hỏi vị khách nọ:

Lần này kết quả có như ý muốn không anh?

Anh ta lắc đầu buồn bã:

Lại không phải là con chị ạ. Có lẽ cái số của tôi nó là như thế rồi.

Tôi khuyên anh:

Tôi nghĩ anh có thể nhận một đứa con nuôi anh ạ. Mình phải chấp nhận sự thật thôi.

Tôi lại nói nhỏ với ông Khải:

Anh vẫn nói với tôi nhiều lần qua điện thoại là: “Chắc vì nhân đạo cho nên chị đã ra kết quả cả năm đứa đều là con của tôi”. Anh thấy không? Nếu vì nhân đạo thì với vị khách đang ngồi kia, bốn lần xét nghiệm đều “không phải là con”, chắc anh sẽ nghĩ chúng tôi quá “vô nhân đạo” đúng không ạ?

Ông Khải im lặng, gật gật đầu, rồi vừa thu dọn đống “bằng chứng” cho vào túi, ông vừa kể về từng đứa con của mình một cách vui vẻ, có pha chút tự hào. Có lẽ ông đã hoàn toàn yên tâm vì đã có năm đứa con, mà theo ông, chúng đều ngoan.

Chúng tôi bắt tay nhau. Ông nói rất chân thành:

Xin chị thứ lỗi cho tôi nhé, vì tôi đã làm mất quá nhiều thời gian của chị. Giờ thì tôi đã hoàn toàn yên tâm rồi. Cảm ơn chị nhiều.