Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền đã từng làm xét nghiệm để tìm quan hệ huyết thống trước sinh cho hơn 1000 ca. Số lượng ca cho ra kết quả thai nhi không phải là con của bố thì khá nhiều nhưng chưa bao giờ cho ra kết quả thai nhi không phải là con của mẹ mà chỉ là con của bố. Kết quả này khiến chúng tôi có chút lúng túng. Chúng tôi rà soát lại các khâu xem liệu có bị nhầm lẫn mẫu một người mẹ nào đó trong quá trình xét nghiệm hay không. Chẳng mất nhiều thời gian chúng tôi đã khẳng định được rằng: Không hề có sự nhẫm lẫn nào hết. Và ca này vẫn được kết luận: Thai nhi là con của bố, không phải con của mẹ.

Phương pháp xét nghiệm ADN để tìm quan hệ huyết thống khi đứa trẻ còn là thai nhi nhờ vào một lượng nước ối nhỏ được hút từ túi ối trong bụng người mẹ. Nước ối mang nhiều ADN của đứa trẻ nên từ lượng nước ối này đã cho ra kết quả chính xác đứa trẻ có phải con của người cha hoặc người mẹ nghi vấn hay không? Kết quả xét nghiệm ADN trước sinh theo phương pháp dùng nước ối làm mẫu vật của con là rất chính xác và thời gian xét nghiệm cũng nhanh, lệ phí xét nghiệm cũng thấp tương tự như xét nghiệm ADN với đứa trẻ đã ra đời.

Xin quay về với ca xét nghiệm có kết quả đặc biệt này. Đây là ca của một sứ quán giới thiệu đến. Đương sự là hai vợ chồng. Chồng là người nước ngoài, vợ là người Việt.

Với thủ tục xuất cảnh hiện nay, một phụ nữ muốn ra nước ngoài với chồng phải có tờ kết quả xét nghiệm ADN trong hồ sơ nếu như họ đã có con hoặc người vợ đang mang bầu. Kết quả ADN giữa người bố và đứa trẻ đang trong bụng mẹ hoặc đứa trẻ đã ra đời là một căn cứ để quyết định họ có được xuất cảnh theo chồng hay không.

Tôi nhớ hôm đó người mẹ này đến nhận kết quả với nét mặt hồ hởi, vui vẻ. Nhưng sau khi xem xét kỹ tờ kết quả, chị buồn thiu và rồi kinh ngạc thốt lên:

  • Cô ơi, sao kết quả lại thế này nhỉ? Đứa bé nằm trong bụng cháu, nước ối lấy ra từ bụng cháu thì đương nhiên nó phải là con của cháu chứ. Rõ ràng nó đã là con của chồng cháu rồi cơ mà. Nó phải là con của cháu nữa chứ ạ?

Tôi nói:

  • Đúng vậy, nó sẽ là con của cháu vì cháu sẽ sinh ra nó và nó đang lớn dần trong cơ thể cháu. Nhưng tiếc thay! Nó không phải là “máu mủ” của cháu.
  • Thế là sao hả cô? - Cô gái tròn mắt.

Tôi giải thích:

  • Thế có nghĩa là đứa trẻ này được hình thành từ trứng của người phụ nữ khác chứ không phải trứng của cháu. Nó chỉ là con của chồng cháu thôi. Cô nói vậy chắc là cháu đã hiểu và có thể tự trả lời cho những câu hỏi cháu vừa hỏi cô.

Cô gái im lặng.

Tôi hỏi luôn:

  • Cháu thụ tinh nhân tạo ở đâu vậy?

Bỗng giật mình rồi cô trả lời rất nhanh:

  • Ở bệnh viện Bưu Điện ạ.
  • Thế cháu còn thắc mắc gì với kết quả này nữa không?

Cô gái không nói gì, chỉ lẩm bẩm:

  • Sao các cô làm xét nghiệm lại chính xác thế? Cháu vẫn cứ tưởng…

Tôi cười ngắt lời cô:

  • Tôi hiểu là cháu tưởng gì rồi. Kết quả xét nghiệm này được máy móc hiện đại đưa ra dựa trên mẫu nước ối mà cháu cung cấp cùng với mẫu máu của cháu và chồng cháu được lấy tại đây. Máy móc hiện đại cộng với sự trung thực và cẩn trọng trong khi làm xét nghiệm sẽ cho ra tờ kết quả rất chính xác cháu ạ. Vậy cháu có thể “…” cho cô biết vì sao bé không phải con của cháu được không?

Cô gái thành thật:

  • Trứng của cháu bị lép hết rồi cô ạ. Cháu lấy chồng nước ngoài đã lâu rồi, mong mãi mà chẳng có một mụn con. Đi thăm khám khắp nơi và cuối cùng phát hiện ra nguyên nhân như vậy. Các bác sĩ đã khuyên cháu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để có con. Cháu thấy hợp lý và chúng cháu đã đến bệnh viện Bưu Điện để thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khi biết tin mình mang bầu rồi, vợ chồng cháu vui mừng lắm. Chồng cháu báo tin vui ngay cho bố mẹ anh ấy. Và bố mẹ chồng cháu rất mong chúng cháu sang bên đó để được chăm sóc con dâu. Bên đó họ quý người lắm cô ạ, nên khi nói sắp có cháu nội họ sung sướng vô cùng… Bây giờ với kết quả này liệu không biết cháu có được đi theo chồng không? Hay là cô gạch bỏ cho cháu cái dòng “Không phải con của mẹ” đi được không cô? Chắc điều này sẽ không gây ảnh hưởng xấu cho ai, phải không cô.

Tôi nói:

  • Cô không làm theo đề nghị đó của cháu được đâu. Các ca xét nghiệm ADN để làm thủ tục đi nước ngoài đều phải đầy đủ cả bố, mẹ và con. Sửa đổi hoặc thêm bớt là gian dối. Mà chỉ cần một lần cháu gian dối thì cháu sẽ được sứ quán ghi tên vào sổ đen và mãi mãi không bao giờ cháu được bước chân vào phòng phỏng vấn, chứ đừng nói gì đến chuyện xuất nhập cảnh.

Cô gái buồn bã:

  • Vậy cháu phải làm như thế nào bây giờ hả cô?

Tôi khuyên chị:

  • Cô chỉ khuyên theo ý kiến chủ quan của cô thôi nhé và chỉ khuyên cháu thế này: Cháu cứ dùng kết quả xét nghiệm ADN này và mạnh dạn xin được phỏng vấn. Trong quá trình phỏng vấn, cháu phải trình bày chân thật sự việc. Việc cháu thụ tinh nhân tạo để có con là việc làm chính đáng, không có gì phải dấu diếm. Sự chân thành của cháu biết đâu sẽ làm cho những người phỏng vấn cháu cảm thông rồi trình bày sự việc lên cấp trên của họ để xem xét nguyện vọng của cháu, giúp cháu được toại nguyện. Họ cũng có nguyên tắc riêng của họ, nếu nguyện vọng của cháu không phù hợp nguyên tắc của họ thì đành chịu thôi. Ta lại phải nghĩ cách khác cháu ạ. Dù sao cô thấy kết quả thụ tinh nhân tạo của cháu là quá tốt vì đứa trẻ đã là con của chồng cháu. Như vậy là cháu đã gặp may, đã gặp được bác sĩ trợ giúp cẩn thận và giỏi đấy. Chính cô đã xét nghiệm ADN cho một cặp vợ chồng với đứa con được sinh ra trong ống nghiệm mà theo họ trứng và tinh trùng của phôi được lấy từ họ. Phôi được đưa vào tử cung người mẹ. Thế nhưng kết quả xét nghiệm thì đứa trẻ lại không mang gen của bố mà cũng chẳng mang gen của mẹ. Họ buồn, họ nói: “Giá như đứa trẻ chỉ cần là con của một trong hai vợ chồng chúng tôi thôi thì tốt biết mấy”. Tuy vậy, họ đã chấp nhận kết quả và rất yêu thương đứa trẻ không cùng huyết thống với mình… Bởi vì họ đã cố gắng rất nhiều, chữa chạy khắp nơi mà vẫn không có con.

Cô gái chào tôi bước đi. Tôi nhìn theo và cầu mong cho mọi điều may mắn đến với cô.