Hôm đó, có lẽ là một ngày đẹp nên khá nhiều khách đến Trung tâm để tìm hiểu và làm xét nghiệm. Một đôi vợ chồng bước vào. Có lẽ hình ảnh một bé gái chừng 10 tuổi, đôi chân co quắp, được người mẹ ôm chặt không rời đã gợi lòng trắc ẩn của mọi người. Không ai bảo ai, tất cả rời xa bàn làm việc của tôi để nhường chỗ cho họ.

     Người vợ tiến thẳng đến trước mặt tôi, ngồi phịch xuống ghế bởi sức nặng của đứa con mà chị đã ôm nó suốt dọc đường, và cũng có lẽ do nỗi bực tức vì bị chồng xúc phạm. Anh chồng mang bộ mặt của kẻ có tội, kéo ghế ngồi cạnh vợ con.

     Chị vợ nói trong hơi thở:

     - Cô cho cháu làm thủ tục để xét nghiệm xem đây có phải là con của anh ấy không? Cháu khổ quá cô ạ.

     Tôi chưa kịp hỏi gì thì anh chồng đã lên tiếng:

     - Xin chị hãy khuyên cô ấy giùm em đừng làm xét nghiệm nữa.

     Tôi ngạc nhiên:

     - Thế là thế nào? Chị muốn làm còn anh lại không. Anh chị không thống nhất với nhau thì tôi biết theo ai bây giờ? Mà anh đã không muốn xét nghiệm sao còn đưa vợ, đưa con đến đây làm gì?

     Người vợ bắt đầu xụt xịt:

     - Mặc kệ anh ấy. Chị cứ làm giúp em đi. Anh ấy tiếc tiền thì em sẽ trả. Chẳng ai thèm đụng đến tiền của anh ấy đâu.

     Người chồng thanh minh:

     - Không phải thế! Anh đã hiểu là không cần phải xét nghiệm nữa. Anh lo làm ăn tối ngày chỉ vì thương em, thương con. Anh không tiếc gì em cả. Anh đã trót lỡ miệng xúc phạm em! Anh đã xin lỗi em rồi. Anh hứa, sẽ không bao giờ làm tổn thương em nữa. Thôi, Ta về đi em.

      Người vợ vẫn rất ấm ức:

     - Em không về, đã mất công đến đây thì phải làm.

      Thấy thái độ dứt khoát của cô vợ, Tôi hỏi người chồng:

      - Anh đã xúc phạm chị đến mức nào mà chị buộc anh phải đi làm xét nghiệm?

      Người vợ đưa tay quệt nước mắt, kể tội chồng:

     - Hôm nọ, trong lúc xem một chương trình trên ti vi nói về Trung tâm xét nghiệm huyết thống, anh ấy đã lườm em và nói: “Chà! Xem chương trình này có ối kẻ giật mình”. Chị tính anh ấy nói như thế có khác nào chửi vào mặt em, coi em là đồ hư đốn. Em đã quá đau khổ vì đứa con gái tàn tật của mình. Thế mà bây giờ anh ấy … Chị khóc nấc lên, không thể nói tiếp được nữa.

      Nhìn chị khóc, rồi nhìn đứa con gái đáng thương trên tay chị, tôi cố kìm nước mắt xúc động. Những người đứng xung quanh tôi cũng đưa mắt nhìn anh chồng, đầy vẻ trách móc. Tôi quay sang nói với người chồng:

      - Sao anh nói năng vô tâm vậy chứ. Tôi mà như chị, tôi cũng khó mà tha cho anh. Tự nhiên lại xúc phạm vợ mình như thế.

      Người chồng thanh minh:

      - Thú thật với chị, cũng chỉ tại một lần trước đây, khi đi làm về, em thấy bạn trai cô ấy đang bón cơm cho con gái em, em đã có ý nghi ngờ.

     - Chỉ vì thế mà anh nghi ngờ ư? một đứa bé như con anh đây, ai mà chẳng thương, chẳng muốn thể hiện một cử chỉ âu yếm với nó. Anh thử hỏi tất cả mọi người ở đây xem là tôi nói vậy có đúng không?

     Ai nấy đều gật đầu. Anh chồng cũng gật đầu, rồi lại quay sang vợ khẩn khoản:

      - Nhưng anh đã xin lỗi em nhiều lần rồi, hãy tha lỗi cho anh đi.

      Tiếp lời anh tôi nói:

     - Tuy anh đã trót lỡ miệng, nhưng bây giờ anh đã hối hận rồi. Tôi thấy anh cũng rất thật lòng biết lỗi và anh cũng thật là mềm tính đấy. Suốt từ nãy đến giờ không có một lời nào nặng nề với vợ với con, chỉ biết xin lỗi và khẩn khoản xin chị tha lỗi. Mà ai chả có lúc ăn nói hồ đồ đúng không chị?. Thôi chị đừng cố chấp nữa, đừng làm xét nghiệm nữa. Hãy tha lỗi cho chồng đi.

     Thấy chị im lặng tôi tiếp tục chiến dịch "vừa đấm, vừa xoa":

     - Mà tôi cũng phải nói để chị rõ, nếu chồng chị không đồng ý cho mẫu để xét nghiệm thì chúng tôi không thể làm gì được đâu.

     Chị vẫn ngồi im. Anh chồng lại xin lỗi và thỉnh thoảng lại đưa tay đỡ chị đứng dậy, nhưng chị vợ vẫn cố chấp, dứt khoát đẩy tay chồng ra. Cứ như vậy: Một người cứ nằn nì xin lỗi và muốn về, một người cứ nằng nặc đòi xét nghiệm. Tôi khuyên mỏi mồm mà chẳng xong… Tôi quyết định mượn lời bé gái đáng thương để kết thúc vụ này. Tôi âu yếm nhìn bé và nói:

     - Cháu gái, cháu muốn về chưa? Cháu xin mẹ cho về nghỉ đi. Cháu hãy là người hoà giải cho bố mẹ đi nào.

      Nghe tôi nói, cháu gái mạnh dạn hẳn lên:

      - Mẹ đừng giận bố nữa mà, mẹ biết là bố rất yêu con, rất yêu mẹ mà, con muốn về rồi mẹ ạ.

      Tôi rất mừng vì không ngờ, cô bé lại nói được những lời ngắn gọn và đủ ý đến thế. Tôi liền tiếp lời cháu bé:

     - Chà ! cô bé thật thông minh, thật đáng yêu. Tại sao chị không dành số tiền định làm xét nghiệm ADN để bồi bổ và thuốc thang cho con mình chứ? Tôi biết là chị muốn trừng phạt anh. Nhưng anh đã hết lời xin chị tha lỗi rồi. Đừng trả giá đắt cho sự cố chấp của mình nữa. Thôi, anh hãy ra xe trước đi, nhân tiện ra Hà Nội đưa cháu bé đi một vòng xem quang cảnh thủ đô, ăn kem bờ Hồ, vào vườn Bách Thú rồi hãy về.

      Người chồng nhanh nhẹn bước ra xe. Tôi đỡ chị bế con đứng dậy. Vừa đưa chị ra xe tôi vừa nói đùa với cả nhà:

     - Sau này, nếu bố cháu có nói gì xúc phạm mẹ, cháu cứ gọi điện cho bác nhé. Bác cháu mình sẽ cùng xử lý bố nhé! Cháu có đồng ý không?

      Cô bé gật đầu:

      - Vâng ạ, cháu đồng ý ạ.

      Anh chồng rối rít cảm ơn tôi, rồi mau lẹ nổ máy đưa vợ con rời khỏi Trung tâm.

     Tôi quay vào, thở phào nhẹ nhõm. Đúng là rất nhiều trường hợp không cần đến xét nghiệm ADN và đây là một ví dụ. Cái người chồng cần ở vợ là sự thông cảm, tha thứ cho những lời nói hồ đồ nhất thời của anh. Còn cái mà người vợ cần chính là sự tôn trọng, thương yêu của người chồng dành cho chị.