Nhẽ ra như người ta, ông bà Hải phải hồ hởi lắm, mãn nguyện lắm vì được lên chức ông nội, bà nội, đã có một thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường. Vậy mà, khi nghe tin mình có cháu, họ lại không thể vui, luôn luôn đau đầu bức xúc với biết bao điều mờ ám xung quanh việc đứa cháu ra đời. Không chịu được áp lực của những mối hoài nghi cứ nặng trĩu trong lòng, cặp vợ chồng già này đã tìm đến trung tâm phân tích ADN, mong tìm ra lời giải cho những băn khoăn làm họ mất ăn mất ngủ.

        Người chồng ngồi xuống ghế trước mặt tôi, ông dè dặt hỏi:

        - Chị cho tôi xét nghiệm ADN với thằng cháu này, xem nó có phải con cháu của tôi không?

        Tôi trả lời:

       - Vâng mời bác, nhưng cháu bé đâu, hay bác có mẫu của cháu bé rồi?

        Ông nhanh nhảu:

       - Có! Tôi có cuống rốn của cháu đây.

        Tôi đưa bản lệ phí cho bác tham khảo mức giá dịch vụ xét nghiệm. Hai vợ chồng nhỏ to với nhau một lúc rồi ngẩng lên, ông nói:

        - Xét nghiệm quan hệ cha với con thì rẻ hơn ông với cháu hả chị?

       - Vâng ạ.

       Vừa nói tôi vừa đưa mẫu đơn xin xét nghiệm cho ông điền các thông tin. Sau khi xem tờ đơn, ông đã điền đầy đủ. Tôi dừng lại ở mục “quan hệ”và mục “năm sinh”, tôi cho rằng, do vô tình hoặc cố tình, ông đã ghi nhầm quan hệ mà ông muốn xác định. Vì xét tuổi tác của hai người thì đây khó có thể là hai bố con.

       Tôi nói:

       - Bác muốn xem đứa bé này có phải là con của bác đúng không ạ? Xin bác xem lại mục này. Nếu khai sai quan hệ là kết quả sẽ sai đấy.

        Ông ấp úng:

        - Xét nghiệm huyết thống thì cứ có huyết thống là con cháu nhà mình, cha con hay ông cháu đều được chứ chị?

        Tôi giải thích:

      - Bác hiểu thế là không đúng đâu, ông là ông, mà cha là cha. Chúng tôi không kết luận chung chung là có huyết thống hay không có huyết thống, mà chúng tôi kết luận theo quan hệ bác đã khai trong đơn. Tôi ví dụ, thế này để bác dễ hiểu nhé: nếu bác muốn biết mình có thể là ông nội hoặc bác ruột của đứa bé nghi vấn này không, mà bác lại khai là muốn xét nghiệm xem nó có phải là con không, thì chắc chắn bác sẽ nhận được kết quả: “Không phải là con”. Lúc đó mất tiền mà vẫn không thoát khỏi những nghi vấn đâu.

        Nghe tôi nói vậy, ông liền thành khẩn:

       - Thế thì chị cho tôi xin tờ đơn khác, tôi khai lại cho chính xác vậy. Tôi thực sự muốn biết nó có phải là cháu nội của tôi không? Thực ra tôi cũng có mẫu của con trai tôi, nhưng tôi không muốn dùng mẫu đó.

        Tôi hỏi:

       - Bác nói thế có nghĩa là bác không tin cả con trai của mình à?

        Ông ngần ngừ một lúc định nói gì xong lại thôi:

       - Chị cứ làm cho thật chính xác đi, khi nào có kết quả, tôi sẽ xin kể hết mọi chuyện cho chị nghe.

        Tôi vui vẻ đáp:

         -   Vâng, tôi cũng thường được khách hàng tâm sự sau khi biết kết quả. Bây gìơ xin bác để cô y tá lấy mẫu của bác.

 

        Hai tuần sau, theo giấy hẹn, cả hai ông bà đến trung tâm nhận kết quả. Cầm tờ kết quả bác gật gật đầu, rồi nói:

       - Tôi đoán có sai đâu. Tôi biết trước là có kết quả này mà. Thực lòng tôi rất muốn có một đứa cháu, nhưng không phải có theo cách này chị ạ.

        Tôi vẫn nhớ lời hứa của bác lúc đến làm xét nghiệm, tôi nhắc khéo:

         - Bác đã hứa là sẽ kể cho tôi nghe mọi chuyện xung quanh thằng bé này, bác còn nhớ chứ ạ?

       Ông thành thật:

       - Tôi nhớ chứ, chỉ sợ chị không có thời gian nghe thôi.

        Tôi nói:

        - Bác yên tâm, thời gian của tôi là nghe và tâm sự với khách hàng mà. Vì tôi rất muốn có chút ý kiến của mình cùng với mọi mgười giải quyết vấn đề sau khi nhận kết quả sao cho có hậu nhât.

        Người vợ từ nẫy đến giờ im lặng, nghe thấy vậy vội đẩy chồng ra:

       -   Ông để tôi kể cho, phụ nữ tâm sự với nhau dễ hơn. Bà bắt đầu:

      Số là chúng tôi hiếm muộn, mãi mới sinh được thằng con trai. Lớn lên nó lại ra Hà Nội làm ăn. Hai ông bà già ở nhà, lúc nào cũng chỉ mong nó sớm lấy vợ để có cháu bế.

          Cách đây bốn năm, nó cưới một cô gái Hà Nội, trông người rõ đảm đang, nhanh nhẹn. Chúng tôi mừng lắm, nhưng bốn năm qua chẳng thấy vợ nó sinh nở gì cả. Sốt ruột quá, dò hỏi mãi, thì con dâu tôi than thở: “Lương ba cọc, ba đồng, sinh con ra lấy gì mà nuôi con”. Có lẽ vì thế, mà đầu năm ngoái, thằng con trai tôi kiếm một suất đi lao động ở Malayxia. Chúng tôi khuyên nó chạy thêm một xuất cho vợ nó đi cùng. May ra, chúng nó sang đó, thay đổi điều kiện sống, biết đâu lại tăng khả năng có con hơn. Nhưng vợ nó dứt khoát không chịu. Lý do vì sao thì không nói.

        Cuối năm ấy, thằng con tôi từ nước ngoài gọi điện về báo tin rằng chỉ còn một tháng nữa là vợ nó đẻ, chúng tôi mừng quá. Tôi nghĩ phải lên giúp con dâu tôi ngay từ lúc này xem nó có cần gì không. Sau đấy, khi nó sinh lại lên thăm nữa càng tốt.

        Thế là tôi thu xếp lên đường ngay. Lâu không lên Hà Nội tôi tìm mãi mới tới được nhà nó. Tìm được đến nơi thì nó đã dọn đi đâu mất rồi. Tôi hỏi mãi mới tìm đươc chỗ ở mới của con dâu. Tôi cứ hình dung rằng con dâu sẽ khệ nệ vác cái bụng to tướng ra đón mình, nào ngờ lúc gặp nó tôi sửng sốt giật mình:

   - Sao chồng con bảo với mẹ là một tháng nữa con mới sinh? Mà tại sao con chuyển chỗ ở cũng chẳng báo cho bố mẹ, làm mẹ tìm muốn chết.

        Cô con dâu tôi sau vài giây ấp úng nói:

       - Dạ, con chưa kịp báo ạ. Chỗ ở cũ chật quá nên con chuyển đến đây cho rộng hơn. Có lẽ vì lao vào dọn nhà nên con đẻ non. Sao mẹ lên mà chẳng báo cho con để con đi đón…

         Tôi nói ngay:

        - Mẹ nghĩ, chị đang bụng to, không thể đi đón được, nên không báo. Thế cháu tôi đâu? Con trai hay con gái?

       - Dạ cháu trai ạ, cháu đang ở trên gác.

       Cô con dâu đưa tôi lên cầu thang. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn của nó, tôi chợt nảy sinh thắc mắc: “đàn bà vừa mới sinh nở sao lại đi băng băng như còn con gái vậy?”. Tôi bắt đầu để ý quan sát và biết bao câu hỏi ập đến trong đầu: Cô ta không cho con bú sao? Bộ ngực vẫn gọn gàng trong cái áo lót bó chật, chẳng có một biểu hiện gì là người phụ nữ mới sinh. Mà đúng là thằng bé hoàn toàn không được bú mẹ. Cứ vài tiếng đồng hồ, mẹ nó lại pha cho nó một bình sữa. Thằng bé thì đáng yêu thật, nhưng tôi không khỏi băn khoăn khi ngắm nó: “Trông nó không phải là đứa bé mới sinh, nó có nhiều nét đẹp hơn hẳn con trai tôi…”. Tôi suy nghĩ mung lung lắm, rõ ràng có điều gì mờ ám xung quanh sự ra đời của đứa trẻ.

        Tôi trở về quê đem những thắc mắc giãi bày với ông ấy. Rồi chúng tôi đành nghiến răng chịu tốn kém để gọi một cú điện thoại sang cho thằng con. Phải nói thật với nó những hoài nghi của mình để sau này nó khỏi trách. Thằng con tôi cũng tán thành với những suy nghĩ của tôi. Chị thử nghĩ mà xem, tôi nghi như thế có đúng không? Mấy năm trời gần chồng mà không có con, thế mà, chồng vừa đi khỏi đã có chửa. Riêng điều này cũng đáng để nghi vấn về nguồn gốc của đứa trẻ, chứ chưa nói gì đến những nhận xét mà tôi đã kể với chị.

        Từ khi có cháu đến giờ, vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ. Nếu thằng cháu kia không phải là đích tôn của chúng tôi thì không thể nối dõi tổ tiên, thờ cúng ông bà được…Nhưng nhỡ ra nó vẫn là cháu nội của mình thì sao? Tuy vẫn chỉ có một phần trăm hy vọng nó là cháu mình, chúng tôi vẫn phải đi xét nghiệm để khẳng định cho chắc chắn, kẻo rồi cứ thế mà bỏ rơi nó thì phải tội với nó quá.

       Chúng tôi phải bàn bạc với con trai để giải quyết nhanh việc này cho đầu óc thanh thản.

       Sau nhiều tuần tìm hiểu, chúng tôi biết, chỉ có nhờ xét nghiệm ADN thì mới dứt điểm được…Con trai tôi đồng ý gửi mẫu móng tay của nó để xét nghiệm huyết thống với thằng bé. Nó không dấu vợ nó chuyện này. Vợ nó cũng tán thành.

         Cách đây một tuần, con tôi báo với chúng tôi là đã gửi mẫu móng tay của nó qua một người bạn chuyển tận tay cho chúng tôi. Chúng tôi đợi mãi mà không thấy. Đến mãi hôm qua chúng tôi mới nhận được. Nhưng lại không phải từ bạn nó, mà từ vợ nó. Tại sao con dâu tôi phải đến tận nhà người bạn để đón mẫu của chồng nó gửi cho chúng tôi trong khi người bạn kia có thể mang tận tay cho tôi. Thế là lại thêm một nghi vấn nữa!

         Quá nhiều nghi vấn đến cùng một lúc, buộc chúng tôi phải xử lý. Chúng tôi quyết định không dùng mẫu của con tôi đã được chuyển qua tay vợ nó. Như vậy là cách xác định trực tiếp quan hệ cha con không thực hiện được. Chúng tôi đành phải ra đây để xác định quan hệ ông và cháu nội.

          Bây giờ, có kết quả này, chúng tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì. Những nghi ngờ của vợ chồng tôi là đúng. Kể ra, nếu có tiền, tôi sẽ xin xét nghiệm thằng bé với cái mẫu của con trai tôi mà chúng tôi tin chắc vợ nó đã thay bằng mẫu của cha đẻ thực sự thằng bé, rồi đưa cho cô ấy cả hai kết quả, để xem cô ấy nói gì? Tại sao cô ấy lại cố tình lừa dối cả họ hàng nhà chồng như vậy?

        Nghe câu chuyện của vợ chồng người khách, trong thâm tâm, tôi đã biết cô gái ấy là ai. Câu chuyện của bà cho tôi hiểu rằng cô đã nói thật mọi chuyện với tôi. Vì vậy tôi khuyên hai ông bà::

         - Nói dối là không thể chấp nhận được, nhưng nhiều khi nguyên do dẫn đến phải nói dối lại rất đáng thương. Tôi nghĩ, có lẽ con dâu của bác rất muốn có một đứa con cho chồng vì rất yêu chồng và không muốn bị chồng bỏ nên mới nghĩ cách nói dối như vậy. Hai bác nên xem xét thêm khía cạnh ấy, để có thể cho cô ta một cơ hội. Trên đời này có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh, họ đã nhận con nuôi, và họ vẫn hạnh phúc bên nhau… Chỉ tiếc là cô ta không đủ can đảm nói thật.

        Chắc chắn hai vợ chồng vị khách này không thể biết rằng cô con dâu của họ đã đến đây nhiều lần. Cô đến và đã thành thật kể hết cho tôi nghe về hoàn cảnh của cô. Cô đã biết trước là mình mất khả năng sinh đẻ, nhưng yêu chồng và rất sợ bị chồng bỏ nếu cô không sinh con. Vì vậy cô đã tìm mọi cơ hội có được một đứa con để vừa thoả mơ ước làm mẹ, vừa giữ được chồng. Cơ hội đó đến khi chồng cô và cô mỗi người mỗi ngả, trong một thời gian dài. Đó chính là dịp anh ấy đi xuất khẩu lao động, và đó cũng là lý do mà cô không đi theo chồng cùng sang Malaysia làm việc…

Khi biết chắc chắn là mình đã tìm được một bé trai mong muốn, cô đã thông báo để chồng biết, đồng thời chuyển chỗ ở để bố mẹ chồng không tìm được, đợi khi chồng về, đợi dịp thích hợp cùng đưa nhau về thăm ông bà nội. Nhưng vì mẹ chồng đã quá nhiệt tình với con, với cháu nên đã sớm lên tận Hà Nội tìm…

       Mọi nghi ngờ bắt đầu từ đấy. Sở dĩ cô kể hết với tôi vì cô mong tôi thông cảm giúp cô có một tờ xét nghiệm ADN khẳng định đứa bé là con của chồng mình. Nhưng tôi đã không giúp được. Tôi đã nhiều lần khuyên cô hãy nói thật đi. Tôi mà giúp cô việc này là tôi vào hùa với cô, dối trá cả một dòng họ, tội lớn lắm. Tôi khuyên cô hãy dũng cảm nói thật tất cả, may ra sẽ được mọi người thông cảm và tha thứ. Còn nếu nghĩ cách nói dối thì khi sự thật bị lộ khó lòng nhận được sự tha thứ. Mà trước sau gì thì sự thật cũng bị bại lộ. Tiếc rằng cô đã không nghe lời khuyên của tôi để đến bây giờ “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Cô cứ tưởng rằng, sau khi cô tráo mẫu của chồng mình bằng mẫu của chính cha đẻ của thằng bé và gửi kèm cuống rốn của nó cho bố mẹ chồng thì mọi việc sẽ ổn. Chỉ cần chờ kết quả là ăn mừng. Nào ngờ bố mẹ chồng cô hiền lành, quê mùa như vậy mà lại xoay chuyển tình thế, biến xét nghiệm cha con thành xét nghiệm ông cháu khiến cho bao toan tính của cô đổ xuống sông, xuống biển. Không biết khi nhận được cái kết quả này, cô sẽ nghĩ gì?